Nếu cứ dập dịch thế này, có chi tiền tỷ Hà Nội cũng không hết sốt xuất huyết

Thực tế, Hà Nội vừa chi bổ sung 20 tỷ để mua hóa chất, máy phun đeo vai, bồi dưỡng cho cán bộ phun thuốc… nhằm dập dịch sốt xuất huyết, nhưng số ca mắc vẫn cao nhất cả nước.

Video phát hiện ổ bọ gây hàng nghìn con lộ thiên ngay giáp đường Quốc lộ 70, Tây Mỗ - Nam Từ Liêm - Hà Nội

Phát hiện nhiều ổ bọ gậy lộ thiên

Dù Hà Nội đã chi bổ sung gần 20 tỷ đồng để mua hóa chất, máy phun đeo vai, bồi dưỡng cho cán bộ phun thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tính đến thời điển hiện tại Hà Nội vẫn đang là địa phương có số ca mắc và tử vong dẫn đầu trên cả nước.

Bằng bắt thường có thể nhìn rõ bọ gậy đang trú ngụ trong chiếc bánh xe này.

Riêng về công tác phòng bệnh, theo báo cáo của ngành y tế Thủ đô, hiện tất cả các xã phường, trường học đều được phun hóa chất diệt muỗi nhưng hiệu quả không cao.

Nơi làm đẹp đường phố vô tình làm ổ cho muỗi đẻ trứng.

Có khoảng 60% hộ gia đình không hợp tác trong việc phun thuốc và hầu hết các hộ gia đình khi được kiểm tra đều phát hiện có loăng quăng, bọ gậy.

Theo báo cáo mới nhất của Hà Nội, toàn thành phố đến nay đã có gần 25.000 ca mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong. Các quận có số ca mắc cao: Hoàng Mai (3.756), Đống Đa (3.578), Hai Bà Trưng (2.164), Thanh Xuân (2.014)…

Ngoài việc phát hiện các ổ bọ gậy trong các gia đình, thì ở những nơi công cộng, thậm chí ở ngay cạnh mặt đường quốc lộ vẫn phát hiện những ổ bọ gậy với quy mô lên đến hàng nghìn con.

Ghi nhận của phóng viên tại điểm xe bus trên đường Tây Mỗ (phường Đại Mỗ - Nam Từ Liêm – Hà Nội) cho thấy, tại vườn hoa thanh niên của phường này, xuất hiện nhiều ổ bọ gây ở hệ thống lốp xe dùng để trồng hoa.

Không chỉ có vậy, ngay gần UBND phường này có những hộ kinh doanh để hàng trăm chiếc lốp xe ô tô ở ngoài trời bị đọng nước và quan sát kỹ thì mỗi lốp xe này đều có bọ gậy tồn tại.

Những nơi ưa thích của muỗi để đẻ trứng.

Như vậy, có thể thấy rằng việc thực hiện khẩu hiệu “Không có bọ gậy, loăng quăng, muỗi, không có sốt xuất huyết” chưa đạt yêu cầu của thành phố đưa ra.

Đó là chưa kể việc các xã phường đều có những đội xung kích đi diệt bọ gậy, cùng với đó là phun thuốc diệt muỗi ở những nơi công cộng. Lực lượng này khi tham gia chống dịch đều có kinh phí chi trả.

Việc phun thuốc muỗi tràn lan không có hiệu quả chống dịch.

Lo sợ thuốc diệt muỗi giả bán tràn lan

Thời gian vừa qua trên địa bàn Hà Nội có nhiều thông tin cho rằng, xuất hiện một số người lợi dụng dịch sốt xuất huyết đang gia tăng để đến tận các gia đình bán hóa chất diệt muỗi.

Bác sĩ Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế.

Những đội xung kích dập dịch cần phải làm việc có trách nhiệm trong việc phát hiện ổ bọ gậy.

Bác sĩ Dũng cho hay, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Những thuốc này được dán mác rất phong phú mà người dân không biết được thật giả, chỉ có các cơ quan quản lý mới phân biệt được.

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người dân chỉ nên mua hóa chất diệt muỗi và côn trùng tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư và đại lý chính hãng của các công ty sản xuất thuốc diệt muỗi để đảm bảo chất lượng và không gây hại cho sức khỏe.

NHỮNG NGUYÊN TẮC CẦN PHẢI THỰC HIỆN KHI PHUN HÓA CHẤT DIỆT MUỖI

1. Phải di chuyển toàn bộ người ra khỏi nhà trước khi phun hóa chất.

2. Di chuyển hoặc che đậy cẩn thẩn các loại thức ăn, vật nuôi, vật dụng trong nhà.

3. Các hộ gia đình cần mở tất cả các cửa ra vào, kể cả cửa sổ.

4. Trong khi phun thuốc, cần tránh xa cửa sổ và cửa ra vào hoặc tạm rời khỏi nhà và khu vực phun thuốc cho đến khi phun xong.

5. Trẻ em và người lớn đều không được đi theo sau nhân viên phun thuốc. Mọi sinh hoạt tại các hộ gia đình trở lại bình thường sau khi phun từ 60-90 phút là an toàn.

Một số người có cơ địa dị ứng, trẻ nhỏ và một số người bệnh mãn tính như hen phế quản… cần phải di chuyển khỏi nơi phun thuốc khoảng 2-3 tiếng.

6. Hóa chất sử dụng phải là hóa chất được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và lưu hành.

7. Nếu người dân tự phun hóa chất diệt muỗi, cần phải có sự hướng dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt là tỷ lệ pha và hướng dẫn cách ly an toàn.

TS Nguyễn Nhật Cảm - GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội

Lê Phương

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/suc-khoe/neu-cu-dap-dich-the-nay-co-chi-tien-ty-ha-noi-cung-khong-het-sot-xuat-huyet-c11a567076.html