Nét xuân trong tranh họa sĩ Tạ Thúc Bình

Chính xác thì chú tôi, họa sĩ Tạ Thúc Bình hầu như không vẽ tranh Tết theo đúng nghĩa của nó. Đặc biệt là tranh Tết vẽ các con giáp như một trào lưu trong giới họa sĩ vài chục năm trở lại đây.

Vậy nhưng quãng những năm 60-70 thế kỷ trước, trong số những bức tranh mà người dân miền Bắc, nhất là người dân các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc bộ như Bắc Giang, Bắc Ninh (Hà Bắc), Hải Dương, Hưng Yên (Hải Hưng), Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình (Hà Nam Ninh) khi trang hoàng nhà cửa đón Tết, vui xuân thường chọn những bức tranh của ông do các nhà xuất bản: Mỹ thuật, Phổ thông, Thể dục thể thao… ấn hành.

Đời sống nông thôn được phản ánh đậm nét trong tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình.

Đơn giản là tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình luôn toát lên nét dung dị của thiên nhiên vùng quê Kinh Bắc, với màu sắc tươi tắn, đường nét hài hòa, đầy sức xuân. Những bức tranh của ông mà người dân ưa thích, phải kể đến bộ Tứ bình Xuân- Hạ- Thu- Đông hay Trâu - Bò- Lợn- Gà, Lúa- Lang- Lạc- Đỗ… thường được rất nhiều gia đình mua về để treo khi Tết đến xuân về.

Bộ tranh nữa mà người dân thường mua về treo là bộ tranh về các vị anh hùng dân tộc gồm các vị: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nguyễn Trãi do Nhà xuất bản Phổ thông ấn hành. Về bộ tranh này, tôi có một kỷ niệm khá xúc động. Đó là vào khoảng đầu những năm 1980, khi còn là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có chuyến công tác về một xã ở huyện Yên Thế.

Dạo đó gần Tết, khi đến thăm một gia đình, tôi thấy ông chủ đã cao tuổi đang lui cui treo bộ tranh này trên vách của gian chính, bên phải ban thờ. Cụ khoe, nhờ giữ cẩn thận nên dù đã gần chục năm, tranh vẫn như mới, màu sắc vẫn tươi nguyên. Thì ra vì không có khung kính, cụ dùng nilon trong suốt bao các bức tranh, chỉ ngày Tết mới bỏ ra cho mới. Sẵn máy ảnh mang theo, tôi chụp một kiểu. Năm ấy chú tôi đã gần 80 tuổi, khi đưa ông xem ảnh và kể lại câu chuyện, ông ngồi lặng đi và rơm rớm nước mắt.

Có lẽ, lần hiếm hoi mà họa sĩ Tạ Thúc Bình vẽ tranh Tết là vào Xuân Quý Sửu 1973, cái Tết hòa bình đầu tiên sau Hiệp định Paris. Năm ấy, các hiệu sách nhân dân nhiều phố huyện ở miền Bắc treo bán bức tranh Tết của họa sĩ Tạ Thúc Bình, có hình cháu bé ngồi trên lưng trâu giơ cành tre buộc dây pháo tép nổ tưng bừng, bên dưới là dòng chữ: "Năm Trâu đốt pháo mừng Xuân/ Bắc Nam thắng lợi, quân dân nức lòng"… Bức tranh được người dân quê rất ưa thích, đua nhau mua về treo đón Tết, mừng xuân.

Nét xuân trong tranh họa sĩ Tạ Thúc Bình.

Nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi chắc từng cảm thấy tuyệt vời khi xem những cuốn truyện tranh: "Tấm Cám", "Sự tích bánh chưng, bánh dày", "Con cóc là cậu ông Giời", "Thạch Sanh", "Thánh Gióng", "Sự tích trầu cau"… do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành trong những năm 50-70 thế kỷ trước. Đặc biệt, truyện tranh "Sự tích bánh chưng, bánh dày" có khá nhiều hình ảnh gần gũi với phong tục ngày Tết của người Việt, đó là hình ảnh gia đình Lang Liêu chuẩn bị gói bánh chưng với lá dong xanh, gạo nếp trắng và đỗ xanh vàng tươi…

Trong cuốn truyện tranh này, ở bất cứ trang tranh nào cũng có cảnh nền là mái tranh, sân gạch, giếng khơi, ao cá, đàn gà, ruộng rau, vạt sắn, khóm dong riềng… Những hình ảnh đó mang tính đặc trưng của làng quê Bắc Giang, nơi ông sinh ra và lớn lên, gắn bó suốt cả cuộc đời. Cũng như hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình luôn hiện hữu trong sáng tác của ông, dù là tranh phong cảnh, tranh cổ động, là tranh lụa hay màu nước, sơn dầu… Nét đặc trưng đó cũng dễ thấy trong các truyện tranh khác của ông dành cho thiếu nhi, cũng như các loại tranh khác.

Tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình, dù ít trực tiếp thể hiện đề tài mùa xuân hay ngày Tết, nhưng vẫn được người dân, đặc biệt là bà con nông dân vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ treo để trang trí đón Tết bởi những đường nét hài hòa, hồn hậu cùng màu sắc tươi tắn như mang cả một mùa xuân về. Nói cách khác, bản thân những bức tranh ấy đã tràn đầy sức xuân, là cả một mùa xuân.

Những người nay ở độ tuổi 60- 70 hẳn còn nhớ và yêu thích truyện tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình minh họa cho những câu truyện viết cho thiếu nhi của các nhà văn nổi tiếng như: Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Hà Ân, Thy Thy Tống Ngọc…

Đọc truyện và xem tranh, những đứa trẻ năm ấy dù còn vất vả, thiếu thốn nhưng vẫn thấy bừng lên sự lạc quan, tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, được hun đắp lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Và có thể nói mà không sợ quá lời là chính những tình cảm ấy đã khiến những độc giả nhỏ tuổi ấy, khi trưởng thành dũng cảm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, sẵn sàng hy sinh trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Nhiều chuyên gia, đồng nghiệp, học trò khi nói về họa sĩ Tạ Thúc Bình thường gọi ông là người lưu giữ hồn quê Kinh Bắc. Chính những hồn quê ấy đã tạo nên nét xuân trong các tác phẩm của ông. Họa sĩ Nguyễn Phú Kim, một học trò của ông đã viết trong cuốn hồi ký Rubic Kim Đồng: “… Người giữ được hồn quê Việt ở đồng bằng Bắc bộ, chắc chắn là họa sĩ Tạ Thúc Bình.

Ông là người Bắc Giang, gia đình sống trong không khí như trong Chèo cổ. Cùng với nhiều họa sĩ cùng thế hệ, ông có một thẩm mỹ rất cao, am hiểu vốn cổ dân tộc và say mê quan họ Bắc Ninh. Những bầu trời mùa gặt, những cánh đồng lúa chín, những cây đa, cây gạo thân quen của đồng bằng Bắc bộ. Ông có cách tạo hình riêng, xem tranh có thể nhận ra ngay tức khắc. Những cô gái mặc áo tứ thân, mớ ba, mớ bảy, những cô công chúa có màu sắc rất gần với tranh dân gian, những thần sấm, thiên lôi gắn liền với những ngôi chùa của văn hóa Việt”.

Cũng bởi tình yêu với tranh Đông Hồ mà vào năm 1950, khi cùng với các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Mai Văn Nam… thành lập Phòng hội họa kháng chiến khu XII - tức Liên khu 1 và Liên khu Việt Bắc sau này, họa sĩ Tạ Thúc Bình đã vẽ hàng chục tranh theo phong cách dân gian, có nội dung vận động người dân tham gia kháng chiến như: “Đánh giặc giữ làng”, “Chống giặc dồn dân”, “Bình dân học vụ”, “Tăng gia sản xuất”, “Đóng thuế nông nghiệp”… để đem tranh phổ cập đến tận thôn xã.

Ông đã tìm mời nghệ nhân làm tranh khắc gỗ làng Đông Hồ Nguyễn Đăng Sần lên Việt Bắc, cùng khắc bản gỗ, in các tác phẩm đó trên giấy báo, giấy dó, giấy điệp truyền thống. Bộ tranh tứ bình “Chống giặc dồn dân” sáng tác năm 1950 rất may mắn thoát khỏi bom đạn chiến tranh còn giữ được đến ngày nay, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cũng cần nói thêm rằng tranh của họa sĩ Tạ Thúc Bình, dù ít trực tiếp thể hiện đề tài mùa xuân hay ngày Tết, nhưng vẫn được người dân, đặc biệt là bà con nông dân vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ treo để trang trí đón Tết bởi những đường nét hài hòa, hồn hậu cùng màu sắc tươi tắn như mang cả một mùa xuân về. Nói cách khác, bản thân những bức tranh ấy đã tràn đầy sức xuân, là cả một mùa xuân.

Tạ Thúc Bình chuyên về lụa và bột màu. Cái đẹp trong sáng nhiều ẩn dụ của tranh lụa thấm vào ông qua con đường rất hàn lâm của hội họa phương Tây mà ông được hấp thụ tại nhà trường tạo ra một phong cách rất riêng biệt, gần với cách nhìn bình đồ của tranh dân gian. Có lẽ cũng bởi vậy mà người dân quê Bắc bộ ưa thích và treo những bức tranh: "Góp thóc vào kho", "Mùa lúa chín", "Mừng hội làng", "Hội thi trâu"… của ông để trang trí nhà cửa đón Tết như bao đời nay đã treo những tranh gà, tranh lợn, Vinh quy bái tổ, Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa… của làng tranh Đông Hồ.

Với cống hiến cho mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Tạ Thúc Bình, người con của quê hương Bắc Giang đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Tên của ông cũng đã được đặt cho một đường phố khang trang tại TP Bắc Giang.

Tạ Việt Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/418418/net-xuan-trong-tranh-hoa-si-ta-thuc-binh.html