Nét văn hóa tát đìa bắt cá đồng ăn Tết ở Cà Mau

Ngày trước, cứ cận Tết nông dân Cà Mau lại hỗ trợ nhau tát đìa bắt cá đồng để ăn Tết. Cuộc sống đã đổi thay nhiều, sống vẫn còn không ít gia đình nông thôn giữ được nét văn hóa độc đáo này.

Cà Mau có nguồn cá đồng dồi dào, tập trung nhiều tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình.

Khi mùa khô đến, nước ở các kênh mương trong ruộng cạn hết cá sẽ dồn về đìa

Thời điểm này trùng với dịp Tết Nguyên đán nên nhiều hộ gia đình thường tát đìa để bắt cá ăn Tết.

Người dân sẽ dùng máy tát cạn nước trong đìa, sau đó tiến hành bắt cá.

Họ thường gọi anh em, hàng xóm hỗ trợ bắt cá. Hộ này tát đìa, bắt cá xong thì lại đến hỗ trợ gia đình khác, người dân địa phương gọi đó là “giằng công” bắt cá.

Nguồn cá đồng ở Cà Mau ngày trước đây rất dồi dào, mỗi dịp tát đìa có thể bắt vài trăm kg; sản lượng cá hiện bị suy giảm nhưng mỗi đìa cũng kiếm được vài chục kg cá cá lóc, cá trê, cá rô, cá thác lác, sặc.

Bà con thường rộng nuôi lại một phần cá lóc, cá trê, cá rô; làm khô cá sặc bổi (rằn), cá lóc nhỏ để dành ăn vào dịp Tết.

Những hộ trúng mùa cá đồng còn bán được vài triệu, thậm chí chục triệu đồng để có tiền mua sắm đồ đạc trong dịp Tết.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, trước đây, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên hầu như nhà nào có đìa là sẽ tranh thủ thu hoạch để kiếm cá ăn Tết.

Ngày nay, không còn phổ biến nhưng vẫn có những hộ dân giữ nét văn hóa tát đìa vào dịp cận Tết.

Ngoài tát đìa, người dân vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau còn có hình thức chụp đìa (dùng lưới) để bắt cá.

Bà con thường thu hoạch cá vào khoảng 25 – 29 tháng Chạp, khi đó con cháu thường đã về quê ăn Tết.

Họ cũng gọi anh em, hàng xóm thân thiết quây quần để thưởng thức những món ngon dân dã từ cá đồng như: cá lóc nướng trui, nấu canh chua; cá rô kho tộ; cá trê chiên.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/net-van-hoa-tat-dia-bat-ca-dong-an-tet-o-ca-mau-post1076584.vov