Nét văn hóa ở Trường Sa

Có những nét văn hóa mà quân dân Trường Sa đang thực hiện khiến cho những người từ đất liền mỗi khi ra thăm không ngớt lời khen ngợi. Chỉ một hành động, một việc làm của họ cũng toát nên phong cách, bản lĩnh chứa đựng một tâm hồn phóng khoáng, độ lượng và rất đỗi yêu thương.

Quân dân Trường Sa sống trên biển nước nhưng lại thiếu nước. Để có nguồn nước ngọt đủ cho sinh hoạt hàng ngày, người dân nơi đây phải tiết kiệm, chắt chiu đến... tằn tiện. Ấy vậy mà mỗi khi có đoàn khách từ đất liền ra thăm đảo, người Trường Sa vẫn hào phóng đặt vài chậu nước ngọt ngay trên cầu cảng cho khách rửa mặt, rửa tay để cảm nhận được cái mát mẻ ở nơi đầy nắng và gió này.

Những thau nước ngọt đặt trên cầu cảng để khách rửa tay trở thành hình ảnh quen thuộc trên các đảo ở Trường Sa. Ảnh: nld.vn

Anh Thái Bá Y, một Việt kiều đang sinh sống tại Campuchia ra thăm đảo, khi vục tay múc những giọt nước ngọt đưa lên mặt bỗng thấy cay nồng sống mũi. Một lúc sau anh mới thốt lên: Trân trọng quá, ý nghĩa quá.

Không biết đã có bao nhiêu người được chạm tay rồi áp lên mặt những giọt nước ngọt của đảo nhưng có lẽ đọng lại trong lòng họ là sự ngọt lành, ấm ấp. Lễ nghi này đã trở thành một thứ đặc sản mang đậm phong tục, tập quán của người Trường Sa. Thứ đặc sản ấy đáng được coi là một bài học sâu sắc về tinh thần tiết kiệm, biết trân trọng sự sống và điều kiện tự nhiên.

Chăm sóc rau xanh đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: VŨ HƯỞNG

Quân-người bạn đồng hương cùng tuổi với tôi ra công tác trên đảo Đá Tây đã gần một năm. Anh được giao nhiệm vụ phụ trách xuồng máy. Là đồng đội, đồng hương, lại cùng tuổi nên Quân tâm sự rất thật: Về mùa khô, anh em trên đảo 3 đến 5 ngày mới được tắm một lần, mỗi lần hạn chế đến mức tối thiểu, chỉ dám tráng người bằng nước ngọt, còn khi tắm, tắm bằng nước biển. Gần khu bể chứa nước ngọt của đảo nào cũng thiết kế giống nhau, có một đường ống nối thông với bể chứa nước thải ngọt. Một thau nước ngoài đảo có thể được sử dụng nhiều lần, lần cuối cùng chính là bể chứa này và là nước để tưới rau được trồng trong các chậu đất hiếm hoi được mang ra từ đất liền.

Từ câu chuyện của Quân, tôi bỗng thấy 3 chậu nước ngọt mà các đảo dành cho khách chính là bữa tiệc thịnh soạn. Một cảm giác đắng đót và cay xè chạy dọc sống lưng. Ở đất liền, chính tôi là người vô tâm đã không biết bao lần quên vặn vòi nước, để nước xả tràn sân lênh láng...

Giao lưu văn nghệ trên đảo Đá Tây. Ảnh: VŨ HƯỞNG

Do cuộc sống mưu sinh, tất bật với chuyện cơm áo gạo tiền, nhiều người trong đất liền đôi khi đã quên mất lời chào nhưng với người Trường Sa, lời chào luôn thường trực trên môi. Bất cứ lúc nào, ở đâu, dù đang tất bật với công việc hay đang nghỉ ngơi bên gốc phong ba, bàng vuông, lời chào đều được cất lên. Điều giản dị này đã làm cho người Trường Sa trở nên thân thiện, gần gũi và giàu lòng mến khách.

Lan Phương-một cô gái Hà Nội ra thăm Trường Sa, kỷ niệm đọng lại trong cô về những con người đang sống và làm việc nơi đầu sóng ngọn gió không chỉ là bản lĩnh, nghị lực phi thường mà còn nhiều điều rất đỗi bình dị trong cuộc sống.

-Em thích cách chào hỏi, cách nói chuyện của người Trường Sa, nó gần gũi và thân thương đến lạ. Sau mỗi lời chào, mỗi câu chuyện là nụ cười tươi rói chẳng có thứ gì mua được-Lan Phương kể.

Sự tận tình, chu đáo cũng tạo nên một nét văn hóa rất riêng của người Trường Sa. Ai từ đất liền ra thăm đảo cũng muốn "hy sinh một chút" để cho người Trường Sa hưởng "hơi ấm" từ đất liền. Nhưng ngược lại, người Trường Sa vốn dĩ đã quen với cách sống của mình, họ muốn dành điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để "đãi khách".

Giao lưu văn nghệ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: VŨ HƯỞNG

Hoàng Sa-cô gái Phú Yên vừa ra thăm đảo tâm sự: Những ngày sống trên đảo, em được cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu ái quá. Đảo còn nhiều khó khăn, chật chội nhưng các anh đã dành cho em một không gian riêng thật thoải mái. Em là người may mắn được các anh tự tay làm tặng cho những cành hoa ốc, được chăm sóc như người thân ruột thịt. Em cứ tưởng, ra đảo để động viên bộ đội, nhưng chính các anh lại động viên em, tạo cho em niềm tin, tình yêu biển đảo vô bờ bến.

Còn chị Hồng Hạnh, người dân xứ Quảng đã nói: Tôi yêu cái tận tình, chu đáo của người Trường Sa. Bao nhiêu gian lao khó nhọc các anh đều giành và giữ lấy cho mình.

Nước mắt tôi đã chảy khi đoàn rời đảo. Lúc này, nước biển rút cạn một ngấn sát mép bờ. Chiếc xuồng đón đoàn bị chạm đáy. Không suy nghĩ, những chiến sĩ Hải quân chạy ào xuống biển, ghé vai đẩy mũi xuồng ra khỏi bãi đá kẹt, nhiều người bị san hô sắc nhọn đâm vào chân tứa máu... Nhờ tinh thần và sức lực của các anh, chiếc chân vịt của xuồng được thoát ra, tung bọt trắng xóa. Sóng đã làm ướt gần hết phần ngực áo của các anh...

Quân dân xã đảo Sinh Tồn đón đoàn công tác ra thăm. Ảnh: VŨ HƯỞNG

Không đến Trường Sa, không thể tưởng tượng cán bộ, chiến sĩ đã hát như thế nào với cây đàn ghi ta chỉ còn 1 dây. Vượt lên khó khăn, khắc nghiệt để làm chủ tình huống và chiến thắng hoàn cảnh, con người ở Trường Sa đã tạo ra môi trường văn hóa với những giá trị đặc thù. Bất cứ ai từng một lần dừng chân trên các điểm đảo đều xúc động ngỡ ngàng khi đứng trước những tấm bia chủ quyền, nổi bật lên là hình ảnh bộ đội Hải quân bất khuất, hiên ngang trên nền quốc kỳ đỏ thắm. Ai cũng hiểu, muôn đời sau, nét văn hóa ấy, con người ấy và những tấm bia chủ quyền giữa trùng khơi mênh mông là hình ảnh thể hiện phẩm chất Trường Sa anh hùng.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/net-van-hoa-o-truong-sa-768523