Nét quyến rũ của hồ nước, cây xanh

Với bề dày truyền thống hơn 1000 năm xây dựng và phát triển, Hà Nội ngày nay đã tiếp nhận, chắt lọc những tinh túy nhất để tạo nên một bản sắc văn hóa rất riêng, tạo ấn tượng đặc biệt với bất kỳ ai từng đặt chân đến.

Đi vào thơ ca, nghệ thuật

Khi nhắc đến hệ thống cây xanh và mặt nước, người ta nghĩ ngay tới các khoảng không gian mở tại đô thị để tạo môi trường trong lành. Không chỉ cung cấp oxy, ngăn và lọc bụi, giảm tiếng ồn, hệ thống cây xanh Thủ đô còn đi vào những tác phẩm thi ca, nghệ thuật như: hàng cây sấu trên phố Phan Đình Phùng với tác phẩm "Hà Nội những năm 2000" của nhạc sĩ Trần Tiến; cây ngọc lan với tác phẩm "Lối cũ ta về" của nhạc sĩ Thanh Tùng, “Hương ngọc lan” của nhạc sĩ Anh Quân; hàng hoa sữa trong tác phẩm "Im lặng đêm Hà Nội", "Hoa sữa"; hay những loại cây đã gắn với Hà Nội như cây cơm nguội, cây bàng... trong góc nhìn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong tác phẩm “Nhớ mùa Thu Hà Nội”...

Hồ Tây và hồ Trúc Bạch nhìn từ trên cao. Ảnh Phạm Hùng

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của hệ thống cây xanh, mặt nước, những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn, phát triển những "lá phổi xanh" để phục vụ tốt nhất đời sống của Nhân dân. Trong đó Hà Nội đang thực hiện phủ xanh TP bằng chương trình trồng 1 triệu cây xanh, đã và đang tiếp tục hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Năm 2024, TP Hà Nội trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng khoảng 200.000 cây ăn quả; trồng mới và trồng bổ sung 20 - 30ha rừng...

Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống cây xanh hiện hữu, trong những năm qua, Hà Nội đã trồng mới nhiều loại cây đô thị mới như lát hoa, chiêu liêu, bàng lá nhỏ... Từ đó góp phần bổ sung thêm những điểm nhấn, những điểm đến thu hút người dân, khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến với Hà Nội.

Về hệ thống mặt nước, Hà Nội tự hào có hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, hồ Linh Đàm, hồ Giảng Võ, Thành Công, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân... và hệ thống sông ngòi dày đặc như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Hồng. Tất cả hệ thống mặt nước này đều gắn với những câu chuyện lịch sử của Hà Nội, phong thủy của Hà Nội, vun đắp mạch nguồn, hồn cốt giá trị Thăng Long – Hà Nội.

Điều đáng tự hào, không chỉ bảo tồn, hiện nay, Hà Nội đã và đang xây dựng các biện pháp nhằm khai thác những giá trị của hệ thống mặt nước của Thủ đô. Đơn cử, hiện nay, TP đã giao UBND quận Tây Hồ và các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận. Cùng với việc, bảo tồn, phát huy giá trị của Hồ Tây, Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu phương án cải thiện chất lượng môi trường nước, cải thiện không gian sinh sống của các loài thủy sản, giám sát chặt chẽ nguồn nước thải xung quanh Hồ Tây... nhằm phát huy giá trị của Hồ Tây một cách bền vững.

Giữ gìn nét đặc trưng của Hà Nội

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, người nước ngoài muốn tới Hà Nội không phải vì Hà Nội là một đô thị hiện đại, mà vì Hà Nội đang chứa đựng trong nó, dưới từng tán cây xanh, trên từng mét vuông mặt nước là từng lớp trầm tích văn hóa từ ngàn xưa để lại. Những lớp văn hóa đó đã được thăng hoa trong những tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về Hà Nội… Do đó, việc quy hoạch không gian cây xanh và mặt nước Hà Nội cần phải tính toán, lựa chọn phương án gắn với việc phát triển hạ tầng văn hóa của Thủ đô để tạo nên một giá trị văn hóa thực sự bền vững.

Đồng quan điểm trên, TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, Hà Nội cần có chiến lược duy trì, bảo toàn được hệ khung thiên nhiên cơ bản, có giá trị mang tính đặc thù, là cơ sở để phát triển đô thị, các khu đô thị xanh cho nhiều thế hệ... Đó là đặc điểm cấu trúc địa hình đa dạng, phong phú, có đồi núi, đồng bằng; có hệ thống sông, hồ, cảnh quan thiên nhiên; có hệ sinh thái nông nghiệp gắn với giá trị đặc sắc từng vùng văn hóa (Thăng Long, Sơn Nam Thượng, xứ Đoài) của Thủ đô mở rộng... để góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

"Hệ khung thiên nhiên này không những góp phần làm tăng chất lượng môi trường sống mà còn tạo nên bản sắc riêng cũng như sự hấp dẫn và tính cạnh tranh cao trong đô thị. Hệ khung thiên nhiên cơ bản này sẽ là nền tảng để duy trì, phát triển “Hệ thống cấu trúc xanh” trong cấu trúc tổng thể của Thủ đô Hà Nội" - TS.KTS Trương Văn Quang nhấn mạnh.

Đề cập đến nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống cây xanh, mặt nước, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, trong quy hoạch, hệ thống hồ cần được nghiên cứu theo định hướng tạo cảnh quan và điều hòa thoát nước, đặc biệt là sự kết nối điều hòa giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.

Đồng thời, quá trình phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề cần phải gắn với bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan sinh thái núi, sông, hồ, đầm, nông - lâm nghiệp … Từ đó, tạo sự kết nối giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng, bảo tồn và tạo thêm nhiều không gian mặt nước nhằm gìn giữ và duy trì nét đặc trưng của Hà Nội Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Cây xanh và mặt nước đóng một vai trò thiết yếu trong không gian đô thị. Thực tế, trong nhiều trường hợp, hai yếu tố này kết hợp với nhau tạo thành một hệ thống xanh. Tầm quan trọng của hệ thống này thông thường được xem xét dưới ba góc độ: tạo lập cảnh quan, cải thiện môi trường - khí hậu và phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi - giao tiếp xã hội của cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị một cách rộng hơn, cây xanh và mặt nước là hai thành phần không thể thiếu đối với một hệ sinh thái thiên nhiên đa tầng bậc, tạo điều kiện cho một hệ sinh thái khác - hệ sinh thái nhân văn - hình thành.

TS Nguyễn Quang Minh - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng)

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/net-quyen-ru-cua-ho-nuoc-cay-xanh.html