Nét mới ở xã 'xây dựng'

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, hiếm có xã nào có đến 40 đội xây dựng với gần 500 người làm nghề như ở Hà Châu (Phú Bình). Tuy đây là công việc vất vả, nặng nhọc nhưng với nhiều người dân trong xã thì nghề này đem lại nguồn thu nhập khá, góp phần thúc đẩy kinh tế, thay đổi diện mạo quê hương.

Một góc xóm Sỏi xã Hà Châu, nơi cư trú của nhiều thợ xây dựng.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Châu. Cùng ông Tình đi dạo một vòng quanh các xóm, chúng tôi thấy nét nổi bật nhất là sự hiện hữu của nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự, những tuyến đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ… Theo lý giải của người dân thì do “của nhà làm ra”, họ đã tự tay nâng cấp, tô điểm cho quê mình.

Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà cao tầng khang trang ở xóm Trầm Hương, nhà ông Nguyễn Văn Vị (sinh năm 1940), một trong những người đầu tiên làm nghề xây dựng ở xã. Trò chuyện với chúng tôi, ông Vị chia sẻ: Năm tôi 18 tuổi, tôi lên T.P Thái Nguyên làm phụ xây. Sau đó đi đào giếng thuê, tôi học “mót” cách người ta xây giếng. Khi về quê, tôi tham gia làm những công trình đơn giản như xây nhà cấp 4, xây bếp, chuồng trại chăn nuôi. Ngày ấy, trong xã chưa có ai theo nghề này, thợ xây chủ yếu là từ tỉnh Bắc Ninh đến nên nhà nào có công trình thì các thành viên gia đình đó trực tiếp cùng tham gia phụ giúp. Về sau, khi nhu cầu xây dựng tăng mạnh thì chính họ là những người hành nghề thợ xây. Tuy nhiên thời bấy giờ, nghề thợ xây được coi là nghề “xóa đói” bởi ngoài việc được chủ nhà nuôi ăn 3 bữa/ngày thì tiền công được trả thêm bằng vài đấu gạo.

Những năm gần đây, khi kinh tế - xã hội phát triển, thợ xây đã được trả công bằng tiền mặt, tính theo ngày công hoặc khoán theo khối lượng công việc. Anh Nguyễn Viết Đồng, một cai thầu xây dụng ở xóm Sỏi cho hay: So với những công việc lao động phổ thông khác thì thợ xây hiện được coi là nghề cho thu nhập khá. Như nhóm của tôi có 20 thợ, phụ là người địa phương gồm cả nam và nữ, ngoài nuôi cơm thì đối với thợ chính tôi trả lương 10-12 triệu đồng/người/tháng, thợ phụ thì được tính 250 nghìn đồng/ngày. Nhờ làm tốt, có uy tín trong nghề nên quanh năm đội chúng tôi “chạy” không hết việc, đôi khi còn phải nhượng lại công trình sang cho đội, nhóm khác. Trung bình mỗi đội có từ 10-20 người, phần lớn đều là họ hàng, người cùng một xóm nên nhóm rất đoàn kết, giúp đỡ nhau, việc quản lý vì thế cũng thuận tiện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những gia đình mà có người làm nghề xây dựng đều có nhà cửa khang trang, đời sống ổn định, hiện không có hộ làm nghề nào là hộ nghèo của địa phương… Từ một nghề xóa đói thì nay thợ xây trở thành một nghề giảm nghèo, thậm chí là làm giàu cho nhiều người.

Ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch UBND xã Hà Châu cho biết: Đối với một địa phương đất chật người đông, ít đất sản xuất nông nghiệp như Hà Châu thì nghề xây dựng đã góp phần rất lớn trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Ngoài ra, cũng nhờ có họ mà nhiều công trình của xã không chỉ đảm bảo tiến độ, chất lượng và tính thẩm mỹ mà còn giúp tiết kiệm, giảm mức đối ứng, đóng góp của bà con nhân dân. Những năm qua, diện mạo xã thêm khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Hiện bình quân thu nhập người dân trong xã đạt mức 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,6%.

Ngọc Ánh

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/net-moi-o-xa-%E2%80%9Cxay-dung%E2%80%9D-276960-108.html