Nét đẹp văn hóa trường tồn của người Việt

Mặc áo dài du xuân là một nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt nói chung là phụ nữ Hà Thành bao đời nay nói riêng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Dù xuân Hà Nội vẫn còn những đợt gió rét, nhưng hình bóng thiếu nữ Hà Thành diện những bộ áo dài duyên dáng thả bước trên những con phố Hà Nội cổ kính khiến thấy lòng ấm áp lạ thường, sẽ thấy tâm hồn hòa vào không khí của một năm mới đang đến với sự vui tươi và niềm hứng khởi tràn đầy.

Áo dài du xuân:

Chương trình Đồng diễn Áo dài “Phụ nữ Thủ đô - hội nhập phát triển” năm 2023 với gần 1.000 người tham gia. Đây là chương trình trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Khánh Huy

Chương trình Đồng diễn Áo dài “Phụ nữ Thủ đô - hội nhập phát triển” năm 2023 với gần 1.000 người tham gia. Đây là chương trình trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: Khánh Huy

Tục diện áo dài chơi xuân đã trở thành cái nếp của người phụ nữ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng từ rất lâu rồi. Trong tiết xuân đầu năm mới, các mẹ, các chị, nam thanh nữ tú cho đến những đứa trẻ đều hân hoan trong trang phục áo dài đi chùa, đi hái lộc, đi chúc Tết ông bà nội ngoại, bố mẹ, thăm hỏi họ hàng hay chỉ đơn giản là dạo bước thong dong trên phố phường du xuân.

Những tà áo dài phấp phới trong nắng ấm mùa xuân là biểu tượng của niềm vui, niềm tự hào, niềm hân hoan, niềm hạnh phúc với bao thế hệ người Việt Nam, là khởi đầu cho một năm mới với sự tươi vui, rạng rỡ. Đối với những người con xa quê, áo dài là niềm tự hào, là trái tim vẫy gọi về quê hương yêu dấu.

Còn trong con mắt những du khách ghé qua, áo dài Việt mang một nét rất riêng, đặc trưng mà không nơi nào có được, lắng lại trong tâm trí họ một dấu ấn không thể phai mờ. Hình ảnh ông đồ trong trang phục áo dài cầm bút ngồi viết thư pháp cho chữ từng nhà, từng người mỗi dịp Tết đến, xuân về là hội tụ của nét đẹp văn hóa và hiếu học truyền thống của người Việt ta, càng tôn vinh thêm linh hồn của dân tộc.

Áo dài xưa được may hơi rộng, không bó sát vào những đường cong cơ thể, áo dài vạt, nếu xẻ tà, cũng được xẻ một cách khéo léo kín đáo, đơn sắc, nhã nhặn, chất vải mềm mại, người phụ nữ Hà Thành xưa thường mặc bên trong một lớp áo yếm lót. Dù không có thiết kế gợi cảm, không trang trí cách điệu hoa văn, đính đá cầu kỳ trên thân áo, hay màu mè như bây giờ, nhưng tà áo dài của người con gái Hà thành ngày ấy luôn toát lên nét đẹp dịu dàng, thanh tao.

Từ xưa, người phụ nữ diện trang phục áo dài Tết không chỉ thể hiện được sự thuần khiết, gần gũi tưởng như đơn giản, mà còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa là một cách để ông, bà, bố, mẹ nhắc nhở các thế hệ con cháu cùng nhau nhớ về nguồn cội, về tinh hoa văn hóa qua trang phục truyền thống và cùng nhau gìn giữ di sản Việt.

Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, của thời gian, áo dài cũng có những thay đổi với nhiều đường nét cách tân khác nhau nhưng tổng quan vẫn giữ nguyên được nét đẹp tinh tế, nền nã của tà áo dài truyền thống.

Chiếc áo dài ngày nay không chỉ có thiết kế cổ áo cao mà thay vào đó, được may theo nhiều dáng như cổ cao 3 phân, cổ tim, cổ thuyền tròn, cổ yếm…, chỉn chu đến từng đường may, kỹ lưỡng đến từng tiểu tiết trang trí nhỏ. Vạt và đuôi áo may ngắn hoặc dài, hàng khuy lượn trước ngực cũng “lúc ẩn lúc hiện”, đính đá, đính ngọc, thêu hoa cầu kỳ, tỉ mỉ tùy theo sở thích cũng như ý tưởng sáng tạo của các nhà thiết kế như đem cả hương sắc đất trời mùa xuân. Chất liệu để làm áo dài ngày càng trở nên phong phú, từ các loại gấm, nhung, lụa đến sa tanh, voan… mang đến nhiều lựa chọn cho chị em phụ nữ để có một chiếc áo dài lộng lẫy nhất trong ngày xuân.

“Dù ở đâu - Paris, London hay những miền xa

Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố

Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi…”

Lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sỹ Từ Huy-Thanh Tùng ngân lên không chỉ là âm điệu quen thuộc với đông đảo người Việt Nam, mà còn là niềm tự tôn, niềm kiêu hãnh của dân tộc. Bên cạnh việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối,” là “sứ giả”, là biểu tượng văn hóa trường tồn của người Việt Nam. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc.

Tết đến, xuân về rộn ràng những cụ già đến các cô gái và cả những em nhỏ, ai ai cũng hân hoan diện những chiếc áo dài Tết du xuân, khiến cho phố xuân xinh tươi hơn, rạo rực hơn, bừng lên sức sống. Sự giao thoa giữa các thế hệ, sự cộng hưởng ở nét đẹp ngàn đời khiến tinh hoa văn hóa luôn được chắt lọc, nối truyền và gìn giữ, làm cho tà áo dài Việt sống mãi với thời gian.

Áo dài mang đến không khí thiêng liêng, trang trọng trong những ngày đầu năm mới. Giữa muôn hoa khoe sắc, những tà áo dài tung bay trong gió, phấp phới trong nắng xuân chẳng khác nào những cánh bướm điểm tô cho vườn xuân thêm rực rỡ, tươi vui.

Áo dài du xuân rất đẹp, đẹp bởi sự kín đáo hài hòa nhưng cũng không kém phần gợi cảm. Những cô nàng mươi bảy đôi mươi e ấp xuân thì diện những chiếc áo dài voan, áo dài hoa chụp ảnh, đùa vui dưới trời xuân xanh thắm. Những dì, những mẹ áo dài tím, áo dài hồng lên chùa làm lễ đầu năm. Những em bé xinh tươi áo dài vàng, áo dài đỏ khăn đóng đi mừng tuổi ông bà lấy lộc. Còn ở một góc phố nhỏ, bóng ông đồ già trong tà áo dài đen gợi lên bao nỗi niềm bồi hồi xúc động.

Mai Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/net-dep-van-hoa-truong-ton-cua-nguoi-viet-368902.html