Nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vừa tổ chức triển lãm chuyên đề Sắc Mộc - nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn. Triển lãm trưng bày gần 150 hiện vật với nhiều chủ đề nhằm giới thiệu đến công chúng những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng trên chất liệu gỗ - thể hiện nét tài hoa và tư duy thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân Việt Nam dưới thời Nguyễn.

Không gian tiếp khách ở nhà cổ Nam bộ với các đồ dùng gỗ được khảm đặc sắc

Các hiện vật được trưng bày phong phú về loại hình như: tranh, tượng, đồ trang trí…; đa dạng về kỹ thuật như: chạm, cẩn, phủ sơn…; cùng nhiều chất liệu kết hợp; đi kèm với nhiều đề tài trang trí tinh tế, qua đó cho thấy các hiện vật có sự kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật cung đình, mỹ thuật dân gian và mỹ thuật phương Tây, tạo nên nét đặc sắc cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thời kỳ này.

* Phong phú nhiều chủ đề

Với chủ đề Các vật dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống thường ngày, các hiện vật tại triển lãm đã cho thấy: cùng một loại công năng là đựng đồ vật, nhưng là khay và hộp gỗ đã được được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như: đựng đồ trang sức, đựng lễ vật…

Các sản phẩm gỗ này còn mang tính mỹ thuật khi có sự kết hợp của nhiều đường nét kỹ thuật thanh thoát như: chạm nổi, chạm lộng, khảm ốc/trai, kỹ thuật sơn thếp, cùng các đề tài hoa văn trang trí phong phú. Do đó, các vật dụng này không chỉ dừng lại ở chức năng đồ dùng sinh hoạt mà còn được nâng lên thành tác phẩm nghệ thuật. Chẳng hạn như khay trà gỗ còn được gọi bằng mỹ từ như: lá lan, trúc quân tử, công hầu khanh tướng…

Một số tượng Phật bằng gỗ tại triển lãm

Ngoài chất liệu chủ đạo là gỗ, một số hiện vật như khay, hộp gỗ còn có sự phối kết hợp với các chất liệu khác như: ngà, kim loại… để tạo hình hoa văn, trang trí, góp phần cho thấy đời sống vật chất và tinh thần của người xưa.

Với chủ đề Đồ gỗ dùng trong kiến trúc, trang trí, triển lãm giới thiệu nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ trên kiến trúc. Đó là các đồ án trang trí đầu kèo, cột, các bao lam, hoành phi, khám thờ, án thư và các vật dụng trang trí… Trang trí trên các tác phẩm này mang tính chất quy phạm như: “Tứ linh”, “tứ thời”…, đồng thời còn có tiếp thu một cách khéo léo tinh tế từ nghệ thuật dân gian, Trung Hoa và phương Tây.

* Vật dụng gỗ trong ngôi nhà Nam bộ xưa

Trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống Nam bộ, không gian của nhà trước được bố trí theo nguyên tắc “nội tự - ngoại khách”, tức là trong để thờ cúng, ngoài để tiếp khách.

Về không gian tiếp khách thông thường có bộ trường kỷ ở gian giữa, hai gian bên là bộ bàn tròn hoặc bộ ván ngựa bằng gỗ. Theo Bảo tàng, một số ngôi nhà khá giả hơn sử dụng bộ ghế bành tượng, trường kỷ kiểu Trung Hoa, có khảm xà cừ ngũ sắc và phần mặt bàn, mặt ghế và vách dựa đôi khi được ghép đá trắng hoặc đá màu rất đặc sắc…

Trong khi đó, phần “nội tự” là nơi thờ cúng tổ tiên và cũng là không gian quan trọng nhất trong ngôi nhà cổ nên được bày trí rất trang nghiêm. Với chủ đề Không gian thờ cúng trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống, triển lãm giới thiệu một gian thờ tiêu biểu trong ngôi nhà cổ.

Mỗi gian thờ có bức tranh thờ bằng gỗ cẩn ốc hoặc tranh kiếng được treo sát ở vách lụa, phía trước có bàn thờ đặt các bài vị hoặc di ảnh của ông bà tổ tiên, ngoài cùng là tủ thờ được bài trí bộ tam sự, lư hương, bình hoa… Không gian này thêm trang trọng, cổ kính khi được trang trí các bộ bao lam chạm trổ với những đề tài phản ảnh cảnh sắc trong tự nhiên phối cùng hệ thống hoàng phi, liễn đối chữ Hán có nội dung khuyên răn con cháu ghi nhớ công lao tổ tiên, noi bề lễ nghĩa để làm rạng danh cho gia tộc.

Không chỉ có gian thờ bố trí hoành phi, liễn đối mà nhằm cổ vũ tinh thần khuyến học, giữ gìn truyền thống tốt đẹp cho con cháu, việc bố trí các hoành phi, liễn đối, tranh thư pháp… còn được bố trí ở các thư phòng hay phòng khách với các đề tài trang trí mang tính triết lý, châm ngôn giáo dục, khoa cử, bồi dưỡng người hiền.

Ngoài ra, Triển lãm Sắc Mộc còn giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc tượng thờ Phật giáo thời Nguyễn.

* Điêu khắc gỗ - một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của người Việt

Theo Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, vào thời Nguyễn, nhu cầu đáp ứng cho việc xây dựng hệ thống kiến trúc cung điện, phục dựng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, bài trí trong cung đình, đồ gia dụng tặng mạnh… đã tạo điều kiện cho nghệ điêu khắc gỗ phát triển. Mỹ thuật ứng dụng trên đồ gỗ không chỉ được tạo tác bởi nghệ nhân cung đình mà còn có sự tham gia của đông đảo các nghệ nhân dân gian.

Các vật dụng bằng gỗ sơn son thếp vàng: Chân đèn (hai bên) vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; đài thờ (trên) vào đầu thế kỷ XX và hộp đựng sắc phong (dưới) vào thế kỷ XIX

Đặc biệt là, khi nói đến nghề thủ công lâu đời truyền thống không thể không nói đến nghề gỗ khảm trai/ốc. Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nghề gỗ khảm trai xuất hiện từ thời Lý - Trần ở vùng đất Thăng Long, nhiều vật phẩm khảm trai/ốc của Việt Nam được các sứ thần mang sang Trung Hoa và sử sách có ghi chép lại. Đến thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi, từ đó nghề khảm cũng du nhập vào Nam và phát triển rực rỡ, đạt trình độ tinh vi khéo léo được các nước phương Tây đánh giá là “độc quyền ở Viễn Đông”.

Loại hình gỗ khảm trai chủ yếu là đồ thờ như: hoành phi, câu đối, án thư, bình phong… và đồ dùng sinh hoạt: như bàn ghế, tủ, khay, hộp… Đề tài trang trí trên các đồ vật gỗ này mang ý nghĩa may mắn, tốt lành như tứ linh, tứ quý, châm ngôn, tích truyện mang tính giáo dục và được thể hiện trong thi họa tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động và trường tồn cho đến ngày nay.

Mộc bản là tài liệu đặc biệt, làm bằng các loại gỗ tốt và chạm khắc chữ Hán - Nôm ngược trên mặt gỗ. Mộc bản sau khi hoàn thiện sẽ dùng để in sách và lưu trữ lâu dài.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/net-dac-sac-cua-nghe-thuat-dieu-khac-go-thoi-nguyen-3172837/