Nét Chăm Pa giữa Sài Gòn

Ngôi biệt thự có tên Ruby Villa. Và không chỉ là một ngôi nhà, Ruby Villa mang trong mình câu chuyện về một tổ ấm gần gũi với thiên nhiên, kết hợp với những đường nét hiện đại, tinh tế. Nhưng trên hết, Ruby Villa thể hiện lên thông điệp mà gia chủ mong muốn, đó là tinh thần văn hóa, cội nguồn - tinh thần Chăm Pa.

Công trình tọa lạc tại khu Mỹ Phú, thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ngay vị trí hai mặt tiền cùng hướng nhìn thông thoáng, xung quanh là công viên, sông rạch cùng với những tiện ích về giáo dục, mua sắm...

Ở công trình này, dấu ấn của văn hóa Chăm Pa được giới thiệu bằng một niềm tự hào sâu sắc thông qua hình ảnh tượng Linga được bố trí một cách trang trọng, nghiêm túc tại vị trí trung tâm của ngôi nhà. Đối xứng với tượng Linga bên ngoài, qua mảng tường rào, sân vườn bên trong là một bức tượng Yoni, được bao bọc xung quanh với nhiều cây ăn trái, cây kiểng và mảng tường xanh um tùm hoa lá.

Sự lựa chọn và kết hợp giữa các vật liệu đá tự nhiên, gỗ tự nhiên trong không gian nội thất, hòa cùng ánh sáng và màu sắc của cây xanh, tạo nên một cảm xúc chân thực, sinh động và không kém phần ấm cúng, duyên dáng.

Sự kết hợp các bố cục trên, kiến trúc sư đã thể hiện lên niềm tự hào của gia chủ đối với cội nguồn của mình, cùng với mong ước sinh sôi, nảy nở, phát triển, hòa hợp âm dương. Những dấu ấn của văn hóa Chăm Pa còn được thể hiện rõ nét qua những phù điêu trang trí với phong cách Tháp Mẫm ở khoảng sân trong, nơi các thành viên gia đình thư giãn với nhau những buổi sáng cuối tuần.

Các đường nét kiến trúc bên ngoài mang đến sự mạnh mẽ, dứt khoát, thể hiện nên tính cách của gia chủ. Hình thức kiến trúc của công trình là sự kết hợp tinh tế và đồng bộ của những mảng đặc và rỗng, từ những chi tiết tiết tường rào, mái đón, đến sự kết hợp giữa đặc và rỗng từ hệ tường vân gỗ và vách kính.

Với tư duy mới mẻ, hiện đại, kiến trúc sư đã loại bỏ tất cả các bức tường phân chia không gian truyền thống, tầng trệt gần như được mở ra hoàn toàn. Hành lang giao thông và không gian sử dụng được tối ưu hoàn toàn. Gia chủ có thể tiếp cận từ sảnh đón đến phòng khách, phòng giải trí, bếp, phòng ăn, khoảng sân trong... một cách dễ dàng, từ mọi vị trí đều có thể nhìn ra sân vườn, tạo nên sự hòa hợp nhẹ nhàng giữa các không gian bên trong và bên ngoài. Tại vị trí trung tâm, hai đàn piano được bố trí, kết nối phòng khách, phòng ăn và khu bếp, đây là nơi gia đình quay quần, sum họp, nơi mà các thành viên cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, những lời ca, tiếng đàn… sau một ngày học tập và làm việc.

Sử dụng những đường nét mạnh mẽ, điểm nhấn chính xuyên suốt cho cả ngôi nhà chính là chiếc cầu thang tọa lạc tại vị trí trung tâm của ngôi nhà.

Hầu như các không gian sinh hoạt trong nhà đều được đón gió và ánh sáng tự nhiên.

Từ cầu thang, di chuyển lên tầng trên mở ra hai lối tiếp cận vào hành lang chung, tạo sự kết nối từ tầng thấp lên tầng cao, kết nối các phòng ngủ và phòng học tập. Cùng với đó, điểm nhấn đặc biệt trong khu vực này chính là tượng phù điêu vị Thần Brahma - vị Thần Sáng Tạo hay còn được gọi là vị Thần Thông Thái trong văn hóa Chăm Pa, đây là sự kết nối về giá trị văn hóa, gợi nhắc cho các thế hệ trong gia đình về cội nguồn, để rồi duy trì, tiếp nối và phát triển cho các thế hệ sau.

Giải pháp thông gió và chiếu sáng tự nhiên được kiến trúc sư tính toán kỹ lưỡng và áp dụng vào hầu hết các không gian trong nhà; chăm chút trong việc lựa chọn vật liệu và xử lý các đường nét, chi tiết. Sự lựa chọn và kết hợp giữa đá tự nhiên, gỗ tự nhiên trong không gian nội thất, hòa cùng ánh sáng và màu sắc của cây xanh, tạo nên một cảm xúc chân thực, sinh động và không kém phần ấm cúng, duyên dáng.

Ngoài những yêu tố thuận tự nhiên, kiến trúc sư đã đan xen vào trong mỗi không gian, những bức tranh thiên nhiên được chính con người tạo nên. Những tấm trần xuyên sáng tinh tế, hiện đại được áp dụng, từ những không gian sinh hoạt là bức tranh về bầu trời xanh vui tươi, năng động, đến những không gian nghỉ ngơi, thư giãn là hình ảnh dải ngân hà tĩnh lặng, sâu lắng. Dù ngày hay đêm, dù bất cứ thời điểm nào, gia chủ vẫn có thể cảm nhận được những cảm xúc trọn vẹn nhất.

Không chỉ độc đáo về hình thức thẩm mỹ và công năng, từ những nét phác thảo đầu tiên, kiến trúc sư đã quan tâm rất nhiều đến việc thiết kế cảm xúc. Cùng với đó, những điểm nhấn văn hóa được đưa vào độc lập nhưng lại có mối quan hệ - kết nối để tạo nên một giá trị chung, tạo nên một nét Chăm Pa trong một không gian kiến trúc.

Đối xứng với tượng Linga bên ngoài, qua mảng tường rào, sân vườn bên trong là một Yoni.

Sự chăm chút của công trình được thể hiện trong việc sử dụng và chuyển tiếp giữa vật liệu gỗ và đá tự nhiên.

Đia chỉ: Biệt thự số 2; Mỹ Phú 2A; khu đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7, TP.HCM

Kiến trúc sư thiết kế: Lê Quang Linh, ARCH D. / LEED AP

The Modern Touch, tầng 5, Qunimex Building, 28 Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM

Bài: QL - ảnh: Nguyễn Thanh Tùng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/net-cham-pa-giua-sai-gon-27988.html