Nếp xưa nhà cổ

Dưới cái nắng dịu nhẹ của những ngày đầu năm mới, bước qua cánh cổng gỗ nhà ông Lâm Dũ Xênh, thật ấn tượng khi trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà cổ xưa, nằm nép mình giữa vườn cây xanh mát. Ông Xênh cho biết, ngôi nhà đã có hơn 100 năm tuổi, tôi mua lại từ một cụ ông làm chức hương kiểm (chức coi việc tuần phòng trong làng thời nhà Nguyễn) ở huyện Lý Sơn. Thời đó, không có tàu cao tốc như bây giờ, ngư dân đi biển bằng tàu gỗ. Tôi phải nhờ ngư dân chuyển dần từng cột, kèo, cửa gỗ... về đến cửa biển rồi chở về đây. Phải mất 5 năm để phục dựng, lắp ráp hoàn chỉnh ngôi nhà.

Ông Lâm Dũ Xênh đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền của để sưu tầm, phục dựng các ngôi nhà cổ.

Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương. Các cột nhà được làm bằng gỗ mít lâu năm, theo thời gian nay đã lên nước màu nâu, hệ thống kèo, đà được chạm trổ hoa văn họa tiết kiểu cổ xưa, tinh xảo. Trong ngôi nhà cổ này, ông Xênh tâm đắc nhất là những dòng chữ Nho được chạm tinh xảo dưới bụng kèo hiên. Ông Xênh cho biết, ngày xưa, những nhà có kèo chạm bụng là nhà khá giả, chạm càng dày thì chứng tỏ sự sung túc, địa vị của chủ nhân. Chủ nhà làm thầy Nho hay người có chức vụ thường chạm câu đối, hoành phi, còn chủ nhà làm nông sẽ chạm khắc hình hoa lá, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Bên trên các khung cửa chính có đôi “mắt cửa” là hai khoanh gỗ tròn chạm khắc tinh xảo.

Cửa chính của một ngôi nhà cổ được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ với nhiều họa tiết, thể hiện tay nghề của người thợ mộc.

Ngoài những giá trị về mặt điêu khắc, nhà cổ còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của người xưa. Trong ngôi nhà của cụ ông làm chức hương kiểm ở huyện Lý Sơn bài trí nhiều cặp liễn đối chữ Hán, nói lên quan niệm sống của người xưa, như: Trung hiếu tác đống lương, dịch nghĩa là lấy sự trung hiếu làm rường cột. Văn chương cao giáp đệ, nghĩa là lấy sự học hỏi làm ngôi thứ để cố gắng phấn đấu. Một chi tiết khá độc đáo ở những ngôi nhà cổ này là các mắt cửa được chạm khắc tinh xảo hình âm dương lưỡng cực của phương Đông. Các mắt cửa được đặt bên ngoài cửa chính, mang một dấu ấn rất riêng, truyền tải ý niệm đời sống tâm linh và niềm tin của con người.

Ngôi nhà rường được ông Lâm Dũ Xênh tu sửa, xây dựng kiên cố.

Chúng tôi tiếp tục đến với ngôi nhà rường lầu độc đáo được ông Xênh mua lại từ một người dân ở TP.Hội An (Quảng Nam). Ngôi nhà có chiều ngang 5m, chiều dài 17m, gồm tầng trệt và lầu, vật liệu xây dựng chủ đạo là gỗ, gạch, ngói âm dương. Nhiều cột, dầm, xà gồ được chạm trổ công phu. Ngôi nhà là minh chứng cho lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại. Theo ông Xênh, khi đô thị thương cảng Hội An ngày càng phát triển nhộn nhịp, chủ cửa hàng, thương lái xây dựng ngôi nhà thêm một lầu để mở rộng không gian sinh hoạt. Ban đầu, tầng lầu khá thấp, kèm theo phần ban công hẹp có mái che. Theo thời gian, những ngôi nhà có lầu cao tương đương với tầng trệt. Trong số đó, rất nhiều ngôi nhà thiết kế ban công rộng rãi, đủ để gia đình ngồi ngắm phố xá.

Ngoài những ngôi nhà cổ mua ở huyện Lý Sơn, TP.Hội An, ông Xênh còn mua lại các ngôi nhà từ các chủ nhà trên địa bàn huyện Bình Sơn. Những ngôi nhà này đều có tuổi đời hơn 100 năm. Với ngôi nhà cổ thiếu ngói, thiếu cửa gỗ, ông Xênh đi sưu tầm từ những ngôi nhà cổ khác rồi sửa chữa lại, lắp vào sao cho vừa vặn, đặc biệt là giữ nguyên kiến trúc và hình dáng ban đầu. Người xưa dựng nhà bằng gỗ mít, không bị mục rỗng, chất sơn rất tốt nên gỗ được lưu giữ đến ngày nay. Việc dựng nhà chủ yếu làm bằng tay chứ không có máy móc như bây giờ, kể cả từng mái ngói âm dương. “Để giữ được nguyên trạng cấu trúc những ngôi nhà cổ của tiền nhân, tôi phải sưu tầm từng viên ngói lợp mái nhà, mời các đội thợ làm nhà cổ chuyên nghiệp, am hiểu về văn hóa bản địa và kiến trúc nghệ thuật. Khó khăn nhất là việc bảo quản để tránh ẩm mốc, mối mọt. Một số cột, kèo khi tôi mang về đã bị mối mọt phải xử lý toàn bộ và sơn chống mối”, ông Xênh chia sẻ.

Mái nhà cổ kính, mộc mạc của lối kiến trúc xưa.

Trong những ngôi nhà cổ, ông Xênh trưng bày hơn 500 hiện vật, trong đó nổi bật nhất là sản phẩm gốm Mỹ Thiện, ở thị trấn Châu Ổ, dòng gốm lâu đời tại địa phương với hơn 200 năm tuổi. Ông Xênh mở cửa đón khách tham quan các nhà cổ miễn phí và sẵn lòng chia sẻ câu chuyện lịch sử gắn với những ngôi nhà cổ để du khách hiểu hơn về giá trị nghệ thuật kiến trúc cổ xưa, cũng như giá trị văn hóa truyền thống của người Việt...

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

Trình bày: P.DUNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202402/emagazinenep-xua-nha-co-3ab4041/