Nên thí điểm giao quyền cho Hà Nội chủ động tổ chức cơ quan chuyên môn

Theo các đại biểu Quốc hội, nhiều chính sách thể hiện trong Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã mang tính đột phá, thể hiện tinh thần phân cấp, phần quyền cho Thủ đô nhằm hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững.

Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tổ chức chính quyền đô thị, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5

"Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho TP Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết.

Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền TP Hà Nội (Điều 9), Thường trực Ủy ban Pháp luật và TP Hà Nội đề nghị chỉnh lý theo hướng: giao HĐND TP quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc TP (khoản 4 Điều 9) để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) nêu ý kiến

Đa số đại biểu cho rằng, Dự án Luật cơ bản bám sát tinh thần các nghị quyết của Đảng, việc tiếp thu, chỉnh lý đã tiếp thu kinh nghiệm của các cơ chế đặc thù đã và đang áp dụng với các địa phương; nhiều chính sách mang tính đột phá, thể hiện tinh thần phân cấp, phần quyền cho Thủ đô nhằm hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững.

Thảo luận Dự án Luật, liên quan đến quy định phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền TP Hà Nội tại Điều 9, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tán thành quy định cho phép HĐND TP Hà Nội thành lập các cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cũng cần quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc TP để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ. Đồng thời, theo đại biểu việc có khung tối đa cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội là bao nhiêu sẽ tránh trường hợp tùy tiện, muốn thành lập được bao nhiêu thì thành lập.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân góp ý Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, với đặc thù của Hà Nội, cần bổ sung 1 điều về tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND; trao cho TP quyền tự tổ chức cơ quan chuyên môn. Bên cạnh khung cứng được Chính phủ quy định, cho phép Hà Nội tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp điều kiện, đặc điểm của mình. “Phần “cứng” là cơ quan bắt buộc phải có theo quy định của Chính phủ như công an, quân đội, nội vụ, tư pháp, mang tính chuyên chính, còn cơ quan liên quan xã hội, giáo dục, y tế thì giao cho TP Hà Nội quyết định theo tiêu chí của Chính phủ” – đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất.

Cùng với các quan điểm trên, một số đại biểu nêu rõ, việc giao thẩm quyền cho HĐND TP Hà Nội chủ động trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan, tổ chức liên quan là quá lớn. Lưu ý đây là vấn đề mới, đề nghị cần có sự đánh giá tổng kết trước khi quy định.

Các đại biểu cũng cho rằng, quy định việc thành lập, giải thể, tổ chức lại các cơ quan của Hà Nội không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, của tổ chức hành chính khác dễ dẫn đến tăng biên chế. Do đó, nên quy định thí điểm vấn đề này và có sự đánh giá, tổng kết một cách toàn diện trước khi tiến hành quy định trong luật và cần bổ sung quy định điều kiện thành lập mới cơ quan tổ chức cần bảo đảm biên chế và khả năng đáp ứng của ngân sách.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nen-thi-diem-giao-quyen-cho-ha-noi-chu-dong-to-chuc-co-quan-chuyen-mon.html