Nền nhà điêu tàn, đổ nát của vị thầy giáo nổi tiếng bậc nhất Hà Thành thế kỷ 19

Sau hơn 100 năm, đền thờ 'Thần Siêu', làng Kim Lũ, phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy đổ sập bất cứ lúc nào.

Danh nhân Nguyễn Văn Siêu sinh năm 1799 tại một ngôi làng có truyền thống khoa bảng vào loại nhất nhì đất Thăng Long xưa, đó là làng Kim Lũ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Sử sách chép lại, Nguyễn Văn Siêu là một trong những nhà Nho nổi tiếng của Hà Nội. Đương thời, cụ Siêu cùng cụ Cao Bá Quát được dân gian truyền tụng là “Thần Siêu, Thánh Quát”.

Trong cuộc đời làm quan, “Thần Siêu” từng giữ chức Thị giảng (phụ trách việc giảng sách cho các hoàng tử), Án sát Hà Tĩnh, Hưng Yên. Khi về già, cụ Siêu về quê mở trường Phương Đình dạy học. Người mộ chữ kéo về theo học rất đông và được xưng tụng là một trong những người thầy nức tiếng Hà Thành vào đầu thế kỷ 19.

Cụ Nguyễn Văn Siêu mất năm 1872. Lăng mộ của cụ hiện ở làng Kim Lũ, số 256 đường Kim Giang, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cách đó chừng một cây số là nhà thờ thủy tổ họ Nguyễn do “Thần Siêu” tạo dựng. Nhà thờ thủy tổ họ Nguyễn và khu lăng mộ đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Thế nhưng, sau hơn 100 năm, đền thờ “Thần Siêu” đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục đã hư hỏng nặng và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Hiện tại, gia đình cháu “đích tôn” 6 đời của cụ Nguyễn Văn Siêu vẫn sinh sống trong khuôn viên nhà thờ tổ.

Trao đổi với PV báo Nhà báo và Công luận, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng (con dâu cố đạo diễn Nguyễn Tự Huy, cháu gọi danh nhân Nguyễn Văn Siêu là cụ nội), người quản lý khu đền thờ “Thần Siêu” cho biết: “Trước kia, tổng diện tích toàn bộ khu di tích lên tới vài nghìn mét vuông, đồng lúa bát ngát. Tuy nhiên, hiện nay, gia đình chỉ quản lý 500 m2 đất xung quanh khu di tích”.

Cô Phượng kể, lúc mới về làm dâu, ngôi nhà “cổ” rất đẹp, với hệ thống cột, kèo, xà, cửa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim được sơn đen. Bên trên mái và các cột được chạm khắc tinh tế, rất đẹp.

“Để nhà thờ họ xuống cấp như vậy, gia đình tôi cũng xót xa, nhưng không có kinh phí sửa chữa, nên phải đắp chỗ này, vá chỗ kia, tạm bợ để duy trì”, cô Phượng nói.

Theo lời kể của con cháu cụ Siêu, bên trong nhà thờ vẫn còn giữ được nhiều hiện vật quý. Trong đó, có bức tượng đồng được học trò cụ Siêu đúc tặng, sau khi cụ mất.

Bên trong nhà thờ còn lưu trữ nhiều mộc bản, được khắc chữ Hán, tương truyền là của cụ Siêu để lại. Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả con cháu của cụ không rõ các mộc bản này ghi gì

.

Phần bia đá “cổ” cũng hơn 100 tuổi.

Ảnh thờ “Thần Siêu”, Nguyễn Văn Siêu.

Khu vực vườn trong nhà thờ cũng điêu tàn, đổ nát.

Lâm Vũ (bài, ảnh)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nen-nha-dieu-tan-do-nat-cua-vi-thay-giao-noi-tieng-bac-nhat-ha-thanh-the-ky-19-post120315.html