Nên giải quyết tranh chấp bằng công cụ pháp lý

Vụ kiện mới nhất giữa hai đơn vị tham gia đầu tư sản xuất bộ phim Người cần quên phải nhớ cho thấy sự cần thiết của việc can thiệp pháp lý kịp thời, thay vì tranh cãi, đôi co trên mạng xã hội, hay chấp nhận im lặng như đã diễn ra nhiều năm qua.

Giám đốc Hãng phim Chánh Phương Jimmy Phạm Nghiêm vừa chia sẻ thông tin Tòa án Nhân dân quận 1, TPHCM đã thụ lý vụ án về “tranh chấp hợp đồng góp vốn”. Theo đó, phía Hãng phim Chánh Phương yêu cầu Công ty TP Entertainment (của vợ chồng diễn viên Thanh Thúy - Đức Thịnh) thanh toán hơn 5,9 tỷ đồng.

Trong đó, tiền góp vốn còn lại là hơn 4,4 tỷ đồng; lãi vay phát sinh là hơn 585 triệu đồng; chi phí P&A (in ấn và quảng cáo) là hơn 840 triệu đồng. Được biết, sự việc liên quan đến bộ phim Người cần quên phải nhớ do hai đơn vị này hợp tác sản xuất và ra rạp năm 2020, nhưng thua lỗ gần 23 tỷ đồng.

Trên thực tế, những tranh chấp liên quan đến lĩnh vực điện ảnh diễn ra khá thường xuyên, điển hình là câu chuyện người lao động bị quỵt tiền, không được ký hợp đồng, hay không được đảm bảo các điều kiện về bảo hiểm trong quá trình làm phim. Tuy nhiên, những tranh chấp dẫn đến buộc phải ra tòa còn khá ít.

Thay vào đó là những cách giải quyết mang tính cá nhân mà đa số là chấp nhận phần thua thiệt về bản thân, vì e ngại kiện tụng kéo dài, mất thời gian; cũng có người im lặng chịu đựng do ngại mất lòng nhau, ảnh hưởng chuyện làm việc sau này. Thi thoảng, khi áp lực quá cao thì người bị hại thường chọn cách công khai sự việc trên mạng xã hội nhằm lôi kéo sự vào cuộc của truyền thông, người hâm mộ để tạo sức ép gây ra những vụ lùm xùm, ồn ào.

Trong bối cảnh đất nước đang từng bước tiến lên nền công nghiệp điện ảnh, đưa các vụ việc ra tòa án là điều tất yếu và cần thiết để có thể giải quyết các tranh chấp một cách triệt để, tránh những sự lộn xộn, tranh cãi qua lại trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh đã được Quốc hội thông qua ngày 15-6-2022, rất nhiều chuyên gia, nhà làm phim đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào một hành lang pháp lý vững chắc. Nó vừa là tiền đề, vừa là công cụ hữu hiệu để bảo vệ từng cá nhân cũng như tác phẩm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Công cụ pháp lý đã có, nhưng muốn phát huy tối đa quyền lực bảo vệ cho từng cá nhân, nó phải được sử dụng trong thực tiễn. Các hành vi vi phạm chỉ có thể chấm dứt hoặc hạn chế tối đa thiệt hại gây ra khi có các mức xử phạt đủ sức răn đe - điều mà bấy lâu nay nhà làm phim luôn mong mỏi. Đó cũng là cách những nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới đang vận hành.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//nen-giai-quyet-tranh-chap-bang-cong-cu-phap-ly-864123.html