Nên cân nhắc trước khi quyết định chủ trương giảm tải bến xe Mỹ Đình

NDĐT- Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, vừa có kế hoạch đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho chuyển một số tuyến xe khách sang hoạt động ở bến xe khác.

Theo đó, các loại xe khách chạy từ Mỹ Đình đi các tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) phải chuyển về bến Yên Nghĩa, toàn bộ xe khách chạy tuyến Nam Định, Thái Bình chuyển về bến xe Gia Lâm và bến Yên Nghĩa (mỗi bên 50% số xe). Để giải quyết những khó khăn trong việc đi lại của nhân dân, Sở GTVT kiến nghị mở các tuyến xe buýt nhanh kết nối bến xe Mỹ Đình với hai bến xe trên, tần suất mỗi giờ một chuyến.

Nhưng ngay sau khi biết được chủ trương trên, nhiều người dân và các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình đã không đồng tình. Các ý kiến đều cho rằng, phương án chuyển đổi này bất hợp lý, gây khó khăn, tốn kém và làm phức tạp thêm việc đi lại của nhân dân và các doanh nghiệp vận tải.

Được biết, khu vực quanh bến xe Mỹ Đình là nơi tập trung đông dân cư nhất Hà Nội, nhu cầu đi lại của bến xe này cũng lớn nhất (hơn 40 trường đại học và cao đẳng, nhiều khu đô thị). Hiện nay, người dân và sinh viên chỉ cần đi bộ hoặc đi một chặng xe buýt là ra đến bến xe Mỹ Đình đón xe về các tỉnh trên. Nếu chuyển các tuyến xe khách này ra khỏi bến xe Mỹ Đình thì hành khách sẽ phải đón xe ở nhiều chặng, vòng vèo qua nhiều khu phố trung tâm nội thành kéo dài hàng chục cây số để đón xe. Tình trạng này sẽ làm cho giao thông nội thành Hà Nội thêm phức tạp, gây ùn tắc trong thành phố, lại gây tốn kém tiền của cho Nhà nước, nhân dân và cả doanh nghiệp vận tải.

Mặt khác, từ nhiều năm nay, xe khách ở Mỹ Đình đi các tuyến Tây Bắc thường đi và về từ 5- 6 giờ và 17- 21 giờ, nên ảnh hưởng rất ít đến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực bến xe và vùng lân cận. Nếu không tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định chuyển đổi các tuyến xe khách như đã nêu ở trên, sẽ gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước và khó khăn phức tạp cho người dân tham gia giao thông .

Cũng cần nói thêm, các tuyến xe khách đi Tây Bắc hầu hết là đến các vùng sâu, vùng xa, cần được ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Từ thực tế này, chúng tôi mong muốn Sở GTVT Hà Nội và UBND Thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, hợp lý, hợp tình để chủ trương này không gây khó khăn và thiệt hại cho Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

HÙNG TRẦN

(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/giao-thong/item/20125202-.html