Nên cân nhắc tới thu nhập và việc làm của người lao động

Sản xuất gạch, ngói là một nghề truyền thống của Bắc Ninh. Song, đứng trước vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có chủ trương loại bỏ các lò gạch thủ công và từng bước hiện đại hóa sản xuất gạch, ngói. Chủ trương thì đúng, nhưng cần phải tính toán kỹ vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, việc làm của hàng nghìn lao động trên địa bàn…

Huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh hiện có hàng nghìn lò gạch thủ công đang hoạt động. Để bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh đã sớm có quyết định số 97/2006/QĐ-UBND về quy định quản lý sản xuất gạch, ngói thủ công. Theo chủ trương của tỉnh, các lò gạch trên địa bàn được phép khai thác trên diện tích đất cho thuê từ năm 2006 đến hết năm 2009. Ngày 18-6-2009, UBND tỉnh họp và ra kết luận “cấm toàn bộ” đối với hoạt động của các lò gạch thủ công tại huyện Gia Bình do huyện này có nhiều lò gạch đun đốt vào giữa tháng 6-2009, thời điểm các lò gạch không được hoạt động. Kết luận nêu rõ: “Thống kê và xử phạt mức phạt cao nhất đối với các chủ lò; buộc tháo dỡ vỏ lò trước ngày 30-9-2009, chấm dứt hợp đồng, không cho sản xuất và đốt tiếp đối với các chủ lò đã vi phạm…”. Quyết định đột ngột trên của UBND tỉnh đã gây khó khăn không nhỏ cho các hộ nông dân sản xuất gạch ở huyện Gia Bình. Ông Nguyễn Văn Bách, một chủ lò gạch cho biết: Theo hợp đồng thuê đất thì các chủ lò đều đầu tư để sản xuất vụ gạch cuối cùng đến hết tháng 12-2009, trước khi dẹp lò. Bây giờ mới là tháng 7, thế mà tỉnh đã ra quyết định buộc chúng tôi dỡ vỏ lò thì khoản đầu tư hàng trăm triệu đồng/ vỏ lò biết tính sao? Ông Bách giải thích: “Thời gian tỉnh quy định cấm đốt gạch từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm. Tuy nhiên, trong tháng 6, khoảng thời gian sau vụ gặt chiêm cho tới lúc gieo mạ lúa mùa là thời điểm đốt gạch hợp lý nhất vì hoa màu đã thu hoạch. Hơn nữa các lò gạch ngoài đê buộc phải đốt một lần để giữ lò vì sang tháng 7, mùa nước lũ sông Đuống bắt đầu, nước dâng tới nửa thân lò, các lò gạch đều chỉ xây bằng đất sét sẽ bị nước cuốn trôi hoặc vữa ra vì nước lũ. Do đó, họ sẽ buộc phải đốt lò một lần, sau đó gạch chín thì ra lò 1/3, còn 2/3 gạch trong lò phải giữ lại để làm trụ giữ cho lò khỏi bị nước lũ trôi đi. Mặc dù biết đốt lò trong thời điểm này sẽ bị mất ít nhất là hai triệu đồng/lò nhưng không còn cách nào khác, các chủ lò đành phải chấp nhận. Lẽ ra tỉnh chỉ nên cấm chúng tôi đốt gạch từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 7 đến tháng 9 là hợp lý”. Ông Ngô Thế Thuyết, một chủ lò gạch khác kể: “Hàng chục tấn than đá, tiền mua củi, phên nứa che gạch, tiền thuê máy xúc đất, lương nợ công nhân... tổng đầu tư cho vụ đốt gạch lên tới 300 triệu đồng. Tôi phải thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng. Nếu tỉnh bắt phải dỡ lò thì xem như gia sản nhà tôi đổ xuống sông. Hàng nghìn lao động cho các lò gạch cũng có nguy cơ mất việc, mất thu nhập từ nay đến cuối năm nếu như các lò gạch đều bị cấm hoạt động trước thời gian dự kiến”. Cùng chung bức xúc của các chủ lò gạch, ngói, Chủ tịch UBND huyện Gia Bình Nguyễn Văn Hải kiến nghị: Toàn huyện hiện nay có 439 lò gạch, các lò này đều có giấy phép hoạt động từ năm 2006 đến 31-12-2009. Nếu UBND tỉnh cấm đốt lò, hủy hợp đồng trước thời hạn, thiệt hại sẽ rất lớn, toàn bộ số gạch mộc, vỏ lò sẽ bị phá hủy khi lũ lên. Như vậy, mỗi lò sẽ “đi tong” khoảng 750 triệu đồng, toàn huyện sẽ thiệt hại gần 330 tỉ đồng, chưa kể hàng nghìn lao động bị mất việc chưa kịp có hướng khắc phục. Chủ trương bỏ lò gạch thủ công để bảo vệ môi trường là đúng đắn và cần thiết, nhưng thiết nghĩ, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng cần tính đến bài toán thu nhập, việc làm của nông dân để có lộ trình, thời gian chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công hợp lý, theo đúng hợp đồng đã ký với nông dân là đến hết năm 2009. Hiện tại số tiền thiệt hại do phải dỡ bỏ sớm hàng nghìn lò gạch, ngói là rất lớn và đều là mồ hôi, nước mắt của người nông dân. Quyết định này của UBND tỉnh Bắc Ninh rất có thể khiến hàng trăm gia đình sạt nghiệp. Chúng tôi cho rằng, nếu chủ lò vi phạm đốt lò trong thời gian ảnh hưởng đến hoa màu thì có thể phạt và đình chỉ hoạt động một thời gian, sau đó tiếp tục cho phép hoạt động, không nhất thiết phải buộc họ tháo dỡ lò, chấm dứt hợp đồng trong khi thời hạn sản xuất kinh doanh của họ theo giấy phép còn tới gần nửa năm. Rất mong, UBND tỉnh Bắc Ninh xem xét lại quyết định trên, để bảo đảm lợi ích cho người dân và giữ ổn định tình hình trên địa bàn. Bài và ảnh: CÔNG MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/11/11/11/84601/Default.aspx