NATO kêu gọi hai nước thành viên hạ nhiệt 'điểm nóng' trên Biển Aegean

Với những cáo buộc nhằm vào nhau và những cuộc tập trận hải quân đang nóng lên ở Biển Aegean, NATO đã phải kêu gọi hai đồng minh giảm căng thẳng gần đây.

Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là một phần của một loạt các cuộc khủng hoảng kéo dài do những quan điểm trái ngược nhau. Ảnh: turkeygazette.com

Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là một phần của một loạt các cuộc khủng hoảng kéo dài do những quan điểm trái ngược nhau. Ảnh: turkeygazette.com

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tiếp tục nóng lên trên Biển Aegean với những lời chỉ trích lẫn nhau, các cuộc diễn tập quân sự cùng những cuộc đối đầu tại các cuộc họp của NATO.

Mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 15/6 đã đưa ra những cảnh báo mới đối với Hy Lạp rằng nước này "sẽ bị tổn thương" nếu tiếp tục ủng hộ một chiến dịch quốc tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi đã gửi một thông điệp rõ ràng tới tất cả những ai quan tâm đến những diễn biến ở Aegean”, ông Erdogan nói sau cuộc tập trận quân sự EFES-2022 gần thành phố cảng Izmir ở Biển Aegean, lưu ý "Hy Lạp vẫn tiếp tục vi phạm quy chế phi quân sự quần đảo Aegean".

Những tuyên bố của ông Erdogan nhắm vào một dòng tweet của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis rằng “Người Hy Lạp cảm thấy hoàn toàn an toàn” khi đối mặt với sự leo thang của Thổ Nhĩ Kỳ. “Đất nước của chúng ta không chỉ có khả năng răn đe mạnh mẽ, điều mà chúng ta đã quan tâm để củng cố trong suốt ba năm qua, mà còn có các đồng minh mạnh mẽ”, ông Mitsotakis viết.

Sau một thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt vào năm ngoái, Pháp, một trong những đồng minh gần gũi của Athens ở Đông Địa Trung Hải, đã chuyển giao máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Rafale cho Hy Lạp, nhằm tăng cường tiềm lực không quân của nước này. Tương tự, vài ngày trước chuyến thăm cấp cao của ông Mitsotakis tới Washington vào tháng 5, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua việc gia hạn và sửa đổi một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ. Các sửa đổi cho phép mở rộng sự hiện diện của các lực lượng Mỹ thêm bốn khu vực quân sự, bao gồm hai doanh trại quân đội ở miền Trung và miền Bắc Hy Lạp và một căn cứ hải quân trên đảo Crete. Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích cả hai thỏa thuận.

Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp đã xuống mức thấp mới kể từ khi ông Erdogan tuyên bố muốn "loại bỏ" Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis vì đã vận động hành lang ngăn cản việc mua bán quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vơi Mỹ trong chuyến thăm Washington vào tháng 5 vừa qua.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 14/6 đã phải kêu gọi cả hai bên thể hiện sự kiềm chế ngay trước cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels. “Chúng tôi kêu gọi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết những khác biệt của họ ở Aegean trên tinh thần tin cậy và đoàn kết đồng minh. Điều đó có nghĩa là kiềm chế, tiết chế và hạn chế mọi hành động hoặc lời lẽ có thể làm leo thang tình hình”, ông Stoltenberg nói trong một cuộc phỏng vấn.

Nhưng ông Erdogan và Mitsotakis, cả hai đều chuẩn bị cho các cuộc bầu cử trong vòng một năm nữa, đang đối mặt với một loạt vấn đề. Một cơ chế song phương cấp cao đã bị đình chỉ vào tháng trước và được thay thế bằng cơ chế "ngoại giao Twitter".

"Tôi cảnh báo Hy Lạp tránh những mơ mộng, hành động và tuyên bố sẽ dẫn đến hối tiếc. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ các quyền của mình trong vùng Biển Aegean và sẽ không từ bỏ việc sử dụng các quyền được thiết lập bởi các hiệp định quốc tế khi nói đến các đảo đang bị quân sự hóa", ông Erdogan nói và được tweet bằng tiếng Hy Lạp.

Ông Erdogan nhấn mạnh: “nỗ lực nhằm hỗ trợ NATO và các nước thứ ba, lôi kéo họ tham gia vào các cuộc tập trận quân sự khác nhau trên các hòn đảo đáng lẽ thuộc chế độ phi quân sự, sẽ có một kết cục thảm hại”.

Đáp lại, cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis và lãnh đạo đảng đối lập Syriza viết: “Hy Lạp sẽ bảo vệ chủ quyền của mình trước bất kỳ mối đe dọa nào. Vì vậy, hãy dừng những thách thức và quay trở lại đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế. Câu trả lời cho cuộc khủng hoảng kinh tế mà tất cả chúng ta cùng nhau đối mặt không phải là chủ nghĩa dân tộc".

Trong khi ông Erdogan không trực tiếp đặt câu hỏi về chủ quyền của Hy Lạp đối với quần đảo trong các thông điệp của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đề cập vấn đề này vài lần trong năm nay. "Chủ quyền của quần đảo sẽ bị đặt dấu hỏi nếu (Hy Lạp) không chấm dứt hành vi vi phạm", ông Cavusoglu nhắc lại vào tuần trước.

Về phần mình, Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis nói: “Những lời phàn nàn của Thổ Nhĩ Kỳ… hoàn toàn phi lý đến mức họ đặt câu hỏi về chủ quyền của Hy Lạp đối với các đảo phía Đông Aegean”.

Hai nước đã đến bờ vực chiến tranh chỉ hai năm trước, cũng như vào năm 1996 trên đảo Kardak/Imia không có người ở.

Cả Brussels và Washington đều nói rằng chủ quyền của Hy Lạp đối với quần đảo này là không thể nghi ngờ, lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ nên tôn trọng điều đó, hạn chế các tuyên bố và hành động khiêu khích trong vấn đề này, mô tả tuyên bố của ông Cavusoglu là “phản tác dụng” và đi ngược với nỗ lực giảm leo thang giữa hai nước. Tuyên bố của EU cũng đề cập đến việc tôn trọng các thỏa thuận quốc tế mà cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ diễn giải khác nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Hy Lạp đang tăng sự hiện diện quân sự trên quần đảo ở Aegean vi phạm các hiệp ước đảm bảo tình trạng không triển khai vũ khí của quần đảo, cả trong Hiệp ước Lausanne năm 1923 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các cường quốc đồng minh và trong Hiệp ước Hòa bình Paris năm 1947.

Mặt khác, Hy Lạp cho rằng thỏa thuận về việc phi quân sự hóa các đảo ở phía Bắc (Lemnos và Samothraki) đã bị hủy bỏ bởi Hiệp ước Montreux năm 1936 - một điểm mà Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận. Các đảo ở giữa (Lesvos, Chios, Samos và Ikaria) được đề cập trong Điều 13 của Hiệp ước Lausanne, nhưng điều khoản này không cấm bất kỳ hình thức quân sự hóa cụ thể nào, chẳng hạn như trạm radar, cũng như giới hạn số lượng binh sĩ. Đối với các hòn đảo Dodecanese ở phía Nam, Hy Lạp tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một phần của Hiệp ước năm 1947 và do đó không có quyền viện dẫn nó.

Hasan Gogus, cựu Đại sứ tại Hy Lạp và là người phụ trách chuyên mục của trang web độc lập T24, lập luận rằng trong tất cả các tranh chấp với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ mạnh nhất về mặt luật pháp quốc tế khi kêu gọi phi quân sự hóa các đảo. Nhưng ông cho rằng việc đặt câu hỏi về chủ quyền quần đảo đã đi quá xa.

Cuộc diễn tập quân sự Ephesus 2022, cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay, trùng với kỷ niệm một trăm năm giải phóng Izmir khỏi sự chiếm đóng ba năm của Hy Lạp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố vào tuần trước: "Có vẻ như Hy Lạp không rút ra được bài học nào từ lịch sử".

Ông Erdogan nhấn mạnh rằng Athens, quốc gia đã ngăn chặn sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tập trận không quân của NATO được gọi là Tiger Meet, đã không thuyết phục được các nước không tham gia Ephesus2022. “Tất cả những nước được mời, bao gồm cả Mỹ đã xuất hiện tại Ephesus2022", ông Erdogan nói.

Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp cũng lan sang cuộc họp chung của Ủy ban Chính trị của Hội đồng Nghị viện NATO và Nhóm đặc biệt Địa Trung Hải và Trung Đông, diễn ra tại Istanbul ngày 14/6. Nhà lập pháp Hy Lạp Manousos Voloudakis nói rằng máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không phận các hòn đảo Hy Lạp có người sinh sống.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng rằng đó là do máy bay Hy Lạp đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 27/4.

Ankara cũng cáo buộc Hy Lạp chứa chấp các chiến binh của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. "Mọi người đều biết về 'trại Lavrio' ở Hy Lạp. Trại Lavrio, nằm về phía Đông Nam của Athens, là một trại tị nạn nhưng đã trở thành nơi trú ngụ của các chiến binh PKK", các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Al-monitor.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nato-keu-goi-hai-nuoc-thanh-vien-ha-nhiet-diem-nong-tren-bien-aegean-20220616094529765.htm