NATO báo động vì Nga đưa tên lửa hạt nhân đến Kaliningrad

Việc Nga điều tên lửa có khả năng hạt nhân đến Kaliningrad đang gây ra tiếng chuông báo động ở vùng Baltic và tại NATO. Tuy nhiên, Nga nói rằng đây chỉ là một phần của cuộc tập trận thường xuyên và không phải là một bí mật.

Tên lửa Iskander.

"Trước hết, những tác giả đứng sau sự nhặng xị này cần biết rằng tên lửa Iskander là hệ thống di động. Là một phần của kế hoạch huấn luyện chiến đấu, các đơn vị của lực lượng tên lửa suốt thời gian qua đã nâng cao khả năng hành quân của họ bằng việc phủ rộng khoảng cách lãnh thổ Nga qua nhiều cách: trên bộ, trên biển và tự thân họ" - tờ Guardian dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov.

Theo BBC, đây không phải lần đầu Nga triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M đến Kaliningrad, và sẽ không phải lần cuối. Một số chuyên gia tin rằng kế hoạch lâu dài của Nga là sẽ đặt vũ khí tại đó luôn, ở nơi giữa Ba Lan và Lithuania.

Hệ thống Iskander-M tương đối hiện đại và được quân đội Nga dùng từ 2006. Nó rất di động - một cặp tên lửa được chở trên một máy phóng có bánh xe. Tên lửa này được biết tới với tên gọi SS-26, và NATO đặt mã là Viên đá. Nếu phóng đi từ Kaliningrad, nó có thể đến mọi nước cộng hòa Baltic và có lẽ đến được hai phần ba của Ba Lan.

Nó gây tranh cãi vì hai lý do - tầm xa và khả năng kép. Nó có thể mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Nếu mang theo vũ khí hạt nhân, nó có tầm xa khoảng 500 cây số, rơi vào quy định cấm của hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987.

Nga nhấn mạnh việc triển khai chỉ là bình thường. Nhưng trong quá khứ, Nga từng gọi hệ thống Iskander là phản ứng trước kế hoạch của NATO muốn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu.

Nga quan sát NATO mở rộng thành viên gần đến biên giới Nga. Các nước như các quốc gia cộng hòa Baltic, từng thuộc Liên Xô, nay là thành viên tích cực của NATO.

NATO đang củng cố sự có mặt quân sự ở vùng Baltic và Ba Lan để đáp trả sự cứng rắn gia tăng của Nga sau khi Nga sáp nhập Crưm từ Ukraina và can dự ở đông Ukraina. Giới bình luận cho rằng, việc này có lẽ cũng là một động cơ của việc triển khai tên lửa Iskander.

K.M

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/nato-bao-dong-vi-nga-dua-ten-lua-hat-nhan-den-kaliningrad-599983.bld