Nâng thời hạn cho vay với các chủ tàu theo Nghị định 67, giảm áp lực trả nợ gốc

Khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của việc thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, song ĐBQH Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) cũng nêu thực tế số lượng lớn chủ tàu theo Nghị định 67 hiện đang gặp khó khăn. Để tháo gỡ, một trong những giải pháp được đại biểu Đặng Ngọc Huy đề xuất, là xem xét nâng thời hạn cho vay để giảm áp lực trả nợ gốc, điều chỉnh cơ cấu lịch trả nợ linh hoạt, hợp lý, tránh phát sinh nợ xấu.

Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước sáng nay, 2.6, nhiều đại biểu bày tỏ tán thành với nhận định trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển KT-XH năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) phát biểu tại Hội trường. Nguồn: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) phát biểu tại Hội trường. Nguồn: quochoi.vn

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể, đã đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu theo mục tiêu đề ra. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện… “Những kết quả đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”, ĐBQH Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) khẳng định.

Quan tâm đến việc thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ, đại biểu Đặng Ngọc Huy nêu rõ, trước hết phải khẳng định rằng qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, các chủ trương, chính sách của Nghị định 67 đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, được xã hội đồng tình ủng hộ. Mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được. Số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng lên, đặc biệt là tàu vỏ thép có công suất lớn, trang bị hiện đại đã làm thay đổi nhận thức, tác phong làm việc của ngư dân theo hướng công nghiệp. Các mô hình tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá được hình thành đã hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu hộ cứu nạn trên biển. Ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần tích cực vào bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. “Kết quả đạt được đã góp phần bảo đảm các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII”, đại biểu Đặng Ngọc Huy nói.

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Ngọc Huy cũng nêu rõ, thực tế hiện nay, số lượng lớn chủ tàu theo Nghị định 67 đang gặp khó khăn, bởi tàu hoạt động không hiệu quả hoặc nằm bờ; chủ tàu mất khả năng trả nợ vay, các ngân hàng thương mại phải tiến hành các thủ tục pháp lý để bán tàu, thu hồi nợ vay. Ví dụ, ở Quảng Ngãi có 63 chủ tàu tham gia, trong đó 11 tàu vỏ thép, 51 tàu vỏ gỗ, nhưng hiện 45 tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc, lãi theo cam kết với dư nợ 245,9 tỷ đồng; 32/41 tàu phát sinh nợ xấu bị khởi kiện ra tòa để xử lý bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Thực tế này đã gây ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và giảm số lượng tàu cá vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Cử tri đang rất lo lắng, trăn trở với thực trạng: Nguồn vốn đầu tư chưa thực sự phát huy hiệu quả; ngư dân thì đối diện với nhiều rủi ro đang hiện hữu, rơi vào tình cảnh nợ nần, bỏ nghề truyền thống mà nhiều thế hệ gia đình họ đã gắn bó. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển thủy sản là đúng đắn nhưng hiệu quả kinh tế đối với ngư dân thì chưa đạt được như mong muốn trong thực tiễn”, đại biểu Đặng Ngọc Huy nêu vấn đề.

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn đối với chủ tàu theo Nghị định 67 và tiếp tục phát triển hoạt động khai thác thủy sản, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ hơn một số giải pháp. Đó là xem xét nâng thời hạn cho vay để giảm áp lực trả nợ gốc, điều chỉnh cơ cấu lịch trả nợ linh hoạt, hợp lý, tránh phát sinh nợ xấu. Có cơ chế đặc thù với nghề biển, gồm: quy định và phân loại nợ xấu, bảo hiểm thân tàu, cung cấp vốn vay lưu động để trang bị ngư lưới cụ, hỗ trợ và đơn giản hóa điều kiện, thủ tục hỗ trợ chi phí nhiên liệu đánh bắt vùng biển xa và tàu dịch vụ hậu cần thác hải sản xa bờ.

Tiếp tục phát triển đồng bộ đội tàu dịch vụ hậu cần đối hoạt động đánh bắt xa bờ để đáp ứng việc cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, thu mua hải sản cho tàu đánh bắt nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng thời gian hoạt động đánh bắt hải sản, thực hiện chuỗi liên kết khai thác - tiêu thụ hải sản, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ đối với tàu vỏ thép. Quan tâm thực hiện chính sách đầu tư hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo Nghị định 67, trong đó, đối với Quảng Ngãi, cần quan tâm hỗ trợ kinh phí nguồn ngân sách trung ương để đầu tư mới dự án Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Sa Cần (Cảng cá loại II); đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Sa Huỳnh (Cảng cá loại I) cũng như tiếp tục đầu tư nạo vét sông lạch và các cửa biển.

Tăng cường đào tạo nghề thuyền viên để tạo nguồn lao động biển ổn định.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/nang-thoi-han-cho-vay-voi-cac-chu-tau-theo-nghi-dinh-67-giam-ap-luc-tra-no-goc-i291029/