Nâng thị phần vận tải hàng hải và đường thủy nội địa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đặt ra mục tiêu nâng thị phần vận tải hàng hóa trong nước bằng đường biển ven bờ và đường thủy nội địa, trước mắt phải tối thiểu được 50%.

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024 do Bộ GTVT tổ chức ngày 22/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự hội nghị còn có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Sở GTVT và gần 180 doanh nghiệp vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và logistics trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chí Hùng.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Bộ GTVT trăn trở, mong muốn các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp thiết thực để tận dụng thế mạnh là Việt Nam có hệ thống bờ biển dài, nhiều cảng biển lớn, đa dạng, dày đặc đường thủy nội địa từ Bắc đến Nam.

Tuy nhiên, hiện đang có sự bất cập về kết cấu hạ tầng. Trong khi vận tải đường bộ đang chiếm ưu thế về vận chuyển hành khách (gần như 100%) và hàng hóa (chiếm 80%) thì vận tải đường biển ven bờ, đường thủy nội địa lại chưa được khai thác được một cách hiệu quả.

“Bộ GTVT đặt ra mục tiêu là nâng thị phần vận tải hàng hóa trong nước bằng đường biển ven bờ và đường thủy nội địa, trước mắt phải tối thiểu được 50%. Nếu nâng được thị phần này sẽ có cơ hội giảm chi phí logistic, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì bảo dưỡng, giảm tai nạn giao thông, giảm số người chết, bị thương”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm.

Tại Hội nghị, ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An đề xuất Nhà nước có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container như miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container, miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê, thuê mua container.

Đồng thời, tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi; quản lý và điều chỉnh các chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả các cảng biển Việt Nam (phí tàu lai dắt, phí bốc xếp); áp dụng chính sách quản lý giám sát hải quan theo hướng linh hoạt và thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, vận chuyển container hàng xuất nhập khẩu, chuyển cảng, quá cảnh cũng như miễn thuế thu nhập cho thuyền viên làm việc trên tàu khai thác nội địa.

Quang cảnh hội nghị.

Trong khi đó, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy, thay thế các quy định lỗi thời; xem lại khoảng cách các trạm kiểm tra trên sông theo hướng không quá nhiều trạm trên cùng một tuyến sông, để tránh tăng chi phí, mất an toàn cho phương tiện, nhất là vào ban đêm. Đồng thời sớm ban hành quy chuẩn tàu sông, giúp ngành đóng tàu và người dân có bộ luật hoàn chỉnh, không làm mất thời gian và giảm chi phí đầu tư phát triển phương tiện.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT: Tính đến năm 2023 Việt Nam có 1.447 tàu, tổng trọng tải đạt hơn 10 triệu DWT. Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Asean và thứ 27 thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn sở hữu đội tàu mang cờ nước ngoài với tổng trọng tải 2,5 triệu DWT; có 40 hãng tàu nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đảm nhận trên 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.

Về đường thủy nội địa, Việt Nam có 310 cảng thủy nội địa, 6.062 bến thủy nội địa và 2.526 bến khách ngang sông, có 2.360 con sông, kênh, có tổng chiều dài gần 41.900 km với 9 hệ thống sông chính đổ ra biển thông qua hơn 120 cửa sông. Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 26.737 km.

Để phát triển vận tải hàng hải và đường thủy nội địa trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát đề xuất sửa đổi Bộ Luật Hàng hải năm 2015 và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan. Đẩy nhanh tiến độ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch nhóm cảng biển, cảng cạn; triển khai đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam, bảo đảm tiến độ các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải.

Bộ GTVT đặt ra mục tiêu nâng thị phần vận tải hàng hóa trong nước bằng đường biển ven bờ và đường thủy nội địa.

Bộ GTVT cũng đẩy nhanh thủ tục tàu thuyền ra, vào cảng, tối ưu hóa công tác xếp, dỡ hàng hóa, thực hiện các giải pháp cho tàu lớn vào cảng. Tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ tại cảng biển, giá các loại thu đối với hàng hóa tại cảng biển.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị các Bộ ngành liên quan hỗ trợ công tác quy hoạch ngành, chính sách về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng thủy nội địa, đội tàu vận tải; xem xét bổ sung các quy định về tăng cường quản lý giá dịch vụ, phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, phí lệ phí; đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, đặc biệt tại các cảng biển trung chuyển nước sâu, khu vực cảng mở.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Công thương thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics và giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa hoạt động hiệu quả; các tỉnh thành hỗ trợ trong công tác bố trí vị trí đổ thải cho hoạt động nạo vét, duy tu hàng hải, bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động an toàn.

Theo Bộ GTVT, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động.

Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển vận tải hàng hải và đường thủy nội địa.

Việt Nam hiện có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hóa cao, ổn định, kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Vận tải hàng hóa năm 2023 đạt 2.344 triệu tấn, tăng 15,4% so với năm 2022; luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn/km (tăng 10,8%). Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 416 triệu tấn, luân chuyển hàng hóa ước đạt 88 tỷ tấn/km.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-thi-phan-van-tai-hang-hai-va-duong-thuy-noi-dia-167951.html