Nâng tầm giá trị nông sản nhờ tem truy xuất nguồn gốc

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng đối với người sản xuất và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX)... trên địa bàn tỉnh. Nông sản gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch 'lý lịch' dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và giúp người dân khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 sản phẩm nông nghiệp được gắn tem nhãn tích hợp mã QR truy xuất nguồn gốc, trong đó chủ yếu là các mặt hàng như: Bưởi, thịt chua, chè, gạo và các loại rau củ quả an toàn... Các chủ thể được lựa chọn áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc là những hộ, cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP, HACCP... đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa.

Sản phẩm Mỳ gạo Thạch Đê của HTX Nông nghiệp xã Hùng Việt sử dụng mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn được biết đến với hàng trăm đồi chè lớn nhỏ hình bát úp nối nhau san sát, không chỉ trở thành điểm thăm quan, check-in lý tưởng, nơi đây còn là mảnh đất tạo ra những ấm chè ngon, đậm vị mang thương hiệu Chè an toàn Long Cốc. Từ sau khi đăng ký bản quyền thương hiệu, để sản phẩm đảm bảo an toàn, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn, các thành viên của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật về cây chè trong, ngoài địa phương để sản xuất chè búp theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nên vùng sản xuất an toàn và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bà Phạm Thị Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Với thị trường đa dạng, sản xuất chè ồ ạt ở nhiều nơi như hiện nay, việc tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường là điều hết sức quan trọng, chúng tôi luôn chú trọng chất lượng điều làm nên thương hiệu sản phẩm, vì thế việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố tiên quyết để bảo vệ sản phẩm của mình và chiếm được lòng tin của khách hàng”.

Chế biến chè tại HTX Chè an toàn xã Long Cốc.

Theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn muốn biết nhiều hơn về quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển đến bày bán trên kệ, đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm vì vậy việc truy xuất nguồn gốc dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích thực tế mà nó mang lại.

Chị Nguyễn Kim Dung, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: “Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để quét mã là những người tiêu dùng như chúng tôi có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cũng như quy trình để sản xuất ra sản phẩm. Tem truy xuất giúp người tiêu dùng như tôi cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm, nhất là các thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hằng ngày”.

Là một trong những HTX còn “non trẻ”, mới được thành lập trên cơ sở hoạt động của làng nghề mỳ, bún, bánh Thạch Đê nhưng sản phẩm mỳ gạo của HTX Nông nghiệp xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê đã “lên kệ” ở nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích bởi ngay từ những ngày đầu hoạt động, HTX đã hướng đến mục tiêu sản xuất hiện đại, sử dụng hệ thống QR code với quyết tâm hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh.

Anh Phùng Tuấn Long - Giám đốc HTX cho biết: “HTX đã thiết kế logo, bao bì, đăng ký mã vạch, mã số, in tem nhãn, đóng gói sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xem được các thông tin hướng dẫn sử dụng, bảo quản; hàm lượng dinh dưỡng... của sản phẩm mà mình lựa chọn. Nhờ sự minh bạch về nguồn gốc và cam kết chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm nên thương hiệu Mỳ gạo Thạch Đê đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng và từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”.

Tem truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng biết được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Theo Kế hoạch số 1492/KH-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh về triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu: Giai đoạn 2021 - 2025 có 70 - 80% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và thực phẩm trên địa bàn tỉnh được thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. 100 - 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm được hỗ trợ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; mã số mã vạch; ghi nhãn hàng hóa và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Có thể thấy, dán tem truy xuất nguồn gốc đã tạo sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ tin cậy. Đây còn là giải pháp giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất theo hướng an toàn, minh bạch thông tin sản phẩm, đồng thời làm tăng giá trị cũng như sản lượng tiêu thụ các sản phẩm.

Vy An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/nang-tam-gia-tri-nong-san-nho-tem-truy-xuat-nguon-goc/202804.htm