Năng suất lao động Việt có mức tăng trưởng ấn tượng

Năng suất lao động của người Việt ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước phát triển, đặc biệt tỷ lệ tăng năng suất giữa các nhóm doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước chưa đồng đều. Đây là vấn đề mà Việt Nam cần cải thiện để nguồn nhân lực thực sự là động lực cho một nền kinh tế mạnh.

Tỷ lệ việc làm trình độ cao chỉ chiếm khoảng 7%

Theo báo cáo mới nhất với tựa đề "Promoting Innovative Entrepreneurship in Viet Nam" của Ngân hàng Thế giới (WB), nước ta được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua. Từ năm 1990 đến năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình hàng năm 5,3%, nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc.

Thành tích này có được nhờ Việt Nam có 3 yếu tố là tích lũy vốn nhanh, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao. Tuy nhiên, WB cũng lưu ý, để duy trì kỳ tích kinh tế này, Việt Nam cần tập trung tăng trưởng năng suất. Năng suất lao động của người Việt cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2010 - 2020, đạt 64%, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn.

Việt Nam có nhiều nỗ lực để cải thiện năng suất lao động. Nguồn: ITN

Tuy nhiên, mức năng suất lao động tuyệt đối vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, nhất là các nước phát triển. Theo số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore.

Tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp tư nhân đã giúp đẩy nhanh quá trình cải tổ cấu trúc, nó phản ánh ở việc tỷ trọng của lao động ngành nông nghiệp trên thị trường lao động giảm rất nhanh; số lượng lao động trong ngành dịch vụ và công nghiệp tăng cao.

Số lượng việc làm cần đến trình độ tay nghề trung và cao tăng lên khi ngày một nhiều người lao động rời khỏi ngành nông nghiệp để làm việc trong ngành sản xuất và dịch vụ. Dù vậy, tỷ lệ việc làm cần trình độ cao vẫn chỉ chiếm khoảng 7% tổng lực lượng lao động của Việt Nam; thị trường lao động có tỷ trọng rất cao các công việc cần trình độ thấp và trung cấp.

Nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam, thế nhưng lại vượt trội so với các doanh nghiệp nội địa xét về việc làm, lợi nhuận và năng suất lao động. Cụ thể, nhóm này chỉ chiếm khoảng 3,3% tổng số lượng các doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng lại chiếm đến 30% tổng số lượng việc làm và doanh thu, nhưng năng suất lao động cao gấp 5 lần so với doanh nghiệp nội địa.

Cần chiến lược giúp năng suất lao động tăng cao

Giải thích rõ hơn về việc tỷ lệ việc làm cần trình độ cao vẫn chỉ chiếm khoảng 7% tổng lực lượng lao động, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội chỉ rõ, tăng trưởng nội bộ và chuyển dịch lao động đã có những tác động đến tăng năng suất lao động. Hiện đang có bất cập là có sự chuyển dịch lao động ồ ạt từ nông thôn ra khu vực công nghiệp; trong khi họ chưa có đủ điều kiện để làm công việc mới.

Cũng vì thế, những khu vực được coi là đầu tàu của tăng trưởng như FDI, doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư lớn thì năng suất lao động lại thấp, dẫn đến thu nhập của năng suất lao động thấp. Nguyên nhân chính của việc năng suất lao động thấp là thiếu lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề.

Còn theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cần giải pháp nâng cao chất lượng năng suất lao động bởi đây là mấu chốt phát triển kinh tế. Thứ nhất, nâng cao chất lượng nhân lực, hướng vào xu hướng phát triển và lợi thế của Việt Nam; đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực có khả năng, thu hút, phát huy được nhân lực chất lượng cao.

Ông Trung nhấn mạnh, những năm qua, ngành chức năng đã tập trung đầu tư khá nhiều vào đào tạo nghề, các bậc đào tạo... nhưng cần đánh giá lại việc đào tạo này có trúng, đúng, đáp ứng nhu cầu thực tế hay không; đào tạo có kết nối được với doanh nghiệp, đòi hỏi của thị trường hay không? Đào tạo phải để sử dụng, để phát huy khả năng đào tạo, nếu không sẽ là sự lãng phí không đong đếm được.

Thứ hai, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan phải đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ theo hướng tăng hàm lượng chất xám. Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, phát huy khoa học công nghệ bởi đây chính là hạt nhân, mũi nhọn, tiên phong cho sản xuất.

Thứ tư, cần đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, thị trường mới, công nghệ mới để ứng dụng trong quá trình phát triển. Ví dụ, ngành nông nghiệp là công nghệ sinh học; sản xuất là công nghiệp phụ trợ... Đặc biệt, nên có chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động; xác định các mục tiêu, hoạt động và nguồn lực hoạt động... Chương trình này hoàn toàn xứng đáng vì tác động đa ngành, đa lĩnh vực, đa mục tiêu.

Thứ năm, phải tính đến dài hơi, bền vững trong phát triển nguồn nhân lực; quan tâm giáo dục phổ thông và các cấp; quan tâm đào tạo thể chất, chuyên môn, ý thức, tác phong và khơi dậy khát vọng của tuổi trẻ, của người lao động trong khát vọng cống hiến, vươn lên nâng cao năng suất lao động để có thu nhập cao.

Thứ sáu, cần có tổ chức chuyên trách về vấn đề năng suất lao động, chuyên trách về nguồn nhân lực. Thực tế, nhiều quốc gia đã có Bộ phụ trách về nguồn nhân lực, trong đó có nội dung cốt lõi là sử dụng, đãi ngộ, tầm nhìn... về nhân lực.

Dương Lê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nang-suat-lao-dong-viet-co-muc-tang-truong-an-tuong-i360541/