Nắng nóng đe dọa kinh tế châu Âu

Châu Âu - nơi đóng góp gần 20% GDP toàn cầu - đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về năng lượng, khí hậu, lạm phát và cả chính trị.

Theo trích dẫn của CNN Business, ông Carsten Brzeski - Giám đốc Vĩ mô Toàn cầu tại ngân hàng ING - mới đây đã đưa ra một danh sách các yếu tố sẽ đẩy châu Âu vào vòng xoáy suy thoái.

Lạm phát tăng cao, chính trị bất ổn, khủng hoảng năng lượng và đồng euro mất giá là những yếu tố đang đe dọa đến khả năng hồi phục của nền kinh tế hậu phong tỏa.

Hơn thế nữa, châu lục này còn đang phải đối mặt với tình hình nắng nóng bất thường trong tuần qua và tìm cách khắc phục những hậu quả của nó.

Chuỗi cung ứng đứt gãy

Châu Âu hiện đang phải trải qua một mùa hè hanh khô với nắng nóng gay gắt. Nắng nóng cực độ quét qua bắc bán cầu suốt tuần qua, khiến cho Pháp và Tây Ban Nha phải vật lộn với nạn cháy rừng nghiêm trọng.

Hiện tượng biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn khiến các doanh nghiệp lao đao tìm cách hỗ trợ người lao động, đè nặng sức ép lên các hoạt động kinh tế ở châu Âu.

Theo các nhà nghiên cứu tại Ủy ban châu Âu (EC), gần nửa lãnh thổ châu lục này đang gặp rủi ro khô hạn.

Tại Đức, mực nước sông Rhine - một trong những tuyến đường thủy nội địa chính tại quốc gia này - đang giảm mạnh. Theo dữ liệu từ Viện Thủy văn Liên bang Đức, mực nước sông Rhine hiện nay chỉ còn khoảng 45% so với những năm trước và vấn đề nghiêm trọng này dự kiến kéo dài đến hết tháng 8.

 Mực nước sông Rhine vào ngày 18 tháng 7 năm 2022 ở Cologne, Đức. Ảnh: CNN.

Mực nước sông Rhine vào ngày 18 tháng 7 năm 2022 ở Cologne, Đức. Ảnh: CNN.

Sông Rhine vốn là tuyến đường chuyên dành cho việc vận chuyển hóa chất, than và ngũ cốc ở Đức. Chuỗi cung ứng đường thủy trên sông này lại càng quan trọng hơn khi Đức đang cấp tốc vận chuyển để lấp đầy các kho dự trữ năng lượng trước khi mùa đông tới.

Ông Eric Heymann, nhà phân tích tại Deutsche Bank, đưa ra ý kiến rằng mực nước thấp đồng nghĩa với việc tàu thuyền phải giảm tải trọng hoặc thậm chí dừng hoạt động. Kết quả là lượng hàng hóa được vận chuyển sẽ giảm và chi phí vận chuyển tăng. “Đây là một sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng và là mối đe dọa với việc cung cấp đủ năng lượng cho mùa đông tới”, ông Heymann nói thêm.

Những vấn đề về sông Rhine sẽ đè nặng sức ép lên những lĩnh vực sản xuất rất quan trọng của Đức. Các nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Toàn cầu Kiel ước tính, nếu mực nước thấp duy trì trong 30 ngày thì sản lượng công nghiệp của Đức sẽ giảm 1%.

Thiếu hụt năng lượng

Nhiệt độ tăng cao, nguồn nước ấm hơn cũng khiến cho các nhà máy điện hoạt động khó khăn.

Tại Pháp, tập đoàn điện hạt nhân Electricite de France (EDF) cũng thông báo rằng ba lò phản ứng của họ đang phải giảm công suất vì nước không đủ mát để giúp hạ nhiệt độ máy móc. Điều này có nghĩa là sản lượng thủy điện ở châu Âu dự kiến cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng.

Ông Marco Alverà, cựu giám đốc điều hành của công ty năng lượng Snam (Italy) cũng nhận định rằng tình hình đang rất lộn xộn.

Ông lo ngại rằng việc người dân sử dụng điều hòa nhiệt độ quá nhiều sẽ khiến cho các nhà máy quá tải và ảnh hưởng đến cả nguồn năng lượng dự trữ cho mùa đông này.

Ông Alverà còn bày tỏ nghi ngại về việc châu Âu có thể sẽ mất điện. “Ngay cả khi Nga không cắt giảm nguồn cung, lượng khí đốt trên thị trường vẫn rất khan hiếm”.

Ngoài ra, nắng nóng cũng ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của Italy, khi con sông dài nhất quốc gia Nam Âu này cũng trở nên khô cạn. Sông Po cắt ngang qua vùng trung tâm của Italy khiến cho những vùng nông nghiệp dọc sông bị ảnh hưởng, trong khi đó những vùng này chiếm tới 30% sản lượng.

Do thời tiết khô hạn tàn phá nông nghiệp, chính phủ Italy đã buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 7.

 Thời tiết khô hạn ở Carmagnola, Italy. Ảnh: CNN.

Thời tiết khô hạn ở Carmagnola, Italy. Ảnh: CNN.

Rủi ro suy thoái

Trong giai đoạn 1980-2020, các quốc gia EU ước tính đã phải chịu thiệt hại khoảng 460-532 tỷ USD do những vấn đề về biến đổi khí hậu. Các chuyên gia dự báo rằng mức tổn thất chắc chắn sẽ còn tăng lên trong những năm tới.

Tình hình nắng nóng và biến đổi khí hậu còn có thể khiến lạm phát tăng cao hơn nữa khi giá thực phẩm và nhiên liệu leo thang.

Thán 6 mới đây, lạm phát ở 19 quốc gia trong Liên minh châu Âu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 8,6%. Điều này khiến cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải áp dụng các biện pháp can thiệp mạnh mẽ vào đầu tuần này như tăng lãi suất.

Tuy nhiên, ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại Global Market Intelligence vẫn cho rằng tình hình không mấy lạc quan khi sản lượng kinh tế ở châu Âu sụt giảm và khu vực đồng euro đang thu hẹp dần.

Hằng Nga

CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nang-nong-de-doa-kinh-te-chau-au-post1338617.html