Năng lượng tái tạo bùng nổ: Đâu là vai trò của khí đốt?

Theo một kịch bản mô tả lộ trình khử CO2 cho châu Âu của công ty năng lượng Engie (Pháp), công suất sản xuất năng lượng gió và mặt trời phải tăng lên gấp 6 lần hiện tại, thì mới đáp ứng được lượng nhu cầu khổng lồ về tiêu thụ điện không có carbon vào năm 2050. Đồng thời, Engie muốn bảo vệ 'vai trò chủ đạo' của khí đốt.

Đây là lần đầu tiên công ty năng lượng Pháp công bố tầm nhìn về tương lai năng lượng cho châu Âu. Kịch bản này đề cập đến 15 quốc gia - bao gồm cả Pháp, và lộ trình khả thi nhằm đạt được những mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trong giai đoạn đó, đến năm 2030, Liên minh châu Âu (EU) cũng phải giảm được ít nhất 55% lượng khí thải so với năm 1990.

Trước tiên, theo những nhà kỹ sư của Engie, tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính hàng năm của châu Âu sẽ phải tăng lên gấp 4 lần - từ 1% trong giai đoạn 1990-2020 lên 4%, “nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trong vòng chưa đầy 30 năm”. Để đạt được điều này, châu Âu cần điện khí hóa toàn diện ngành giao thông, công nghiệp, nhà ở. Bà Catherine MacGregor - Tổng giám đốc của Engie, nhấn mạnh trong một bài thuyết trình: “Nhu cầu về điện sẽ tăng 80% vào năm 2050 (...) và để đáp ứng điều này, sản lượng điện gió và mặt trời của chúng ta phải cao gấp 6 lần hiện nay”.

Những mô hình của Engie cho thấy, năng lượng mặt trời và gió sẽ chiếm 78% cơ cấu sản lượng điện của châu Âu vào năm 2035 (3.772 TWh) và 90% vào năm 2050 (4.772 TWh), so với 39% hiện nay. Bởi vì những loại năng lượng này “có bản chất không liên tục”, nên “công suất linh hoạt” cũng cần phải tăng lên gấp 4 lần để đạt được mức 820 GW vào năm 2050. Theo Engie, cách thức đạt được mục tiêu là lưu trữ điện dư thừa bằng pin, sử dụng thủy điện tích năng và sản xuất điện bằng nhà máy điện khí không có carbon.

Theo bà MacGregor, Engie tin tưởng vào lối tiếp cận “thực tế”: “Chúng tôi sẽ phải kích hoạt toàn bộ những đòn bẩy có thể để đảm bảo duy trì quá trình khử carbon này. Chỉ riêng điện khí hóa cũng có khả năng gây ra quá nhiều rủi ro lên tính bền vững của hệ thống năng lượng”.

Bên cạnh những hành động tiết kiệm năng lượng và tiêu thụ điều độ, công ty cũng tự hào về “vai trò chủ đạo” trong quá trình khí đốt chuyển dịch sang loại khí “hoàn toàn không có carbon trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2050”, ngay cả khi nhu cầu sẽ giảm đi một nửa. Ngược lại, nhu cầu hydrogen sẽ tăng cao gấp 8 lần vào năm 2050.

Engie đặt mục tiêu đạt công suất khí đốt không carbon là 245 TWh.

Sau khi nhà điều hành mạng lưới điện cao thế RTE (Pháp) trình bày dự báo về mức tiêu thụ điện năm 2035 của Pháp, đến lượt Engie dự định giới thiệu tầm nhìn của mình tại cuộc tranh luận về chương trình năng lượng của Pháp - một chương trình mà chính phủ phải trình bày vào mùa thu.

Engie - một doanh nghiệp từng tập trung vào khí đốt, đã phản đối lệnh cấm sử dụng lò sưởi khí gas và chuyển sang lò sưởi điện. Họ cũng ủng hộ khí metan sinh học và lò sưởi hybrid (khí đốt và điện).

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nang-luong-tai-tao-bung-no-dau-la-vai-tro-cua-khi-dot-687135.html