Năng lực quản lý và quản trị đô thị tại Việt Nam còn yếu

TS.KTS Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, việc phát triển đô thị tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, đơn cử như việc năng lực quản lý và quản trị đô thị tại Việt Nam còn yếu.

Trong Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023, diễn ra vào chiều 8/11, TS.KTS Trần Quốc Thái cho biết, sau 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa đã diễn ra nhanh.

Tính đến tháng 10/2023, hệ thống đô thị nước ta đã có có tổng số 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,6%.

TS.KTS Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng. (Ảnh: BXD)

Chất lượng đô thị từng bước được nâng cao theo hướng đồng bộ đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Đồng thời, đô thị hóa và phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, quản lý phát triển đô thị còn những hạn chế, như các đô thị trong hệ thống đô thị Việt Nam còn thiếu tính liên kết, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị bị quá tải ở các đô thị lớn.

Bên cạnh đó, các đô thị tại Việt Nam phát triển mới mật độ thấp, chưa gắn kết với hệ thống hạ tầng đô thị. Các khu vực dân cư cũ trong đô thị còn chậm được cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển.

Đặc biệt, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới, các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh về phát triển đô thị còn rời rạc, chủ yếu là các văn bản ở cấp dưới Luật.

Trên cơ sở đó, ông Thái đề xuất 5 giải pháp chính sách, nhằm phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam.

Thứ nhất, về phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền.

Thứ hai, về quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững.

Trong đó, phải bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa phát triển các đô thị mới với cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị, phát triển đô thị có quy hoạch, theo kế hoạch, theo định hướng hiện đại, đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai dịch bệnh.

Thứ ba, phải quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Thái cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý phát triển và cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ hạ tầng xã hội và phát triển đa dạng không gian công cộng đô thị.

Thứ tư, về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển, khai thác sử dụng không gian ngầm đô thị hiệu quả, bền vững, góp phần đa dạng hóa không gian phát triển của đô thị.

Cuối cùng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị.

“Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa, thiết lập nền tảng để chuyển đổi sang mô hình quản lý phát triển đô thị dựa trên kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, quy định chuẩn hóa năng lực nghiệp vụ quản lý phát triển đô thị gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm chính quyền địa phương và vai trò của cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị”, ông Thái nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nang-luc-quan-ly-va-quan-tri-do-thi-tai-viet-nam-con-yeu-post271621.html