Nặng lòng với then cổ

Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Ma Văn Đức, ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) được biết đến như người giữ 'hồn Then' ở Tuyên Quang. Ông đã sưu tầm, dịch nghĩa 100 cung Then cổ với gần 20.000 câu thơ thất ngôn trên địa bàn; hoàn thành các chuyên đề lớn như: Khái quát chung về di sản Then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang; Bảo tồn một số cung Then cổ, một số làn điệu Then; Bảo tồn không gian nghệ thuật, đạo cụ của di sản Then Tuyên Quang. Vừa qua, ông đã hoàn thành đề tài về Then quạt Tuyên Quang với gần 200 trang khổ A4.

Từ nhỏ, NNƯT Ma Văn Đức đã biết đến những giai điệu của cây đàn Tính và lời Then, giai điệu ấy như suối nguồn thấm sâu vào tâm hồn ông. Đam mê là thế nhưng mãi đến năm 1999, khi về công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang ông mới có cơ hội đi nhiều nơi, tiếp xúc với các nghệ nhân am hiểu về Then, Cọi trên địa bàn tỉnh. Theo ông, hiện nay ở Tuyên Quang huyện nào cũng có hát Then, đàn Tính, nhưng vùng hát Then nhiều nhất và bảo tồn được những giá trị của then cổ chỉ có các huyện: Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Then cổ là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, phản ánh thế giới tâm linh của người Tày. Đó là những khúc hát, điệu múa, âm nhạc thuộc thể loại dân ca nghi lễ, do những người làm nghề then thực hiện trong các lễ cúng then giải hạn, then cấp sắc, chữa bệnh, cầu mùa, cầu phúc, cầu tài lộc...

NNƯT Ma Văn Đức nghiên cứu về Then quạt Tuyên Quang.

Ông cũng phối hợp với ông Tống Đại Hồng và Lương Long Vân tập hợp, tuyển chọn, biên soạn, phát hành 300 cuốn sách “Văn Quan làng Tuyên Quang” gồm 162 cung, ký tự bằng chữ Tày Latinh và chữ Tày Hán nôm, dịch nghĩa ra tiếng Việt; hoàn thành việc giới thiệu và dịch nghĩa từ tiếng Tày sang tiếng Kinh 81 cung Then cổ Tuyên Quang và được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam in thành bộ sách gồm 4 tập về Then cổ Tuyên Quang. Đây là bộ sách đầu tiên ở Tuyên Quang giới thiệu về Then cổ.

Sau gần 4 năm sưu tầm, nghiên cứu, dịch nghĩa ông đã hoàn thành đề tài về Then quạt Tuyên Quang vào cuối năm 2018. Then quạt là loại hình dân ca tín ngưỡng do các thầy Then diễn xướng trong các đám cúng của người Tày, Then quạt có trước, Then tính có sau. Hình thức thể hiện không dùng tính tẩu, chỉ sử dụng chiếc quạt phất xòe ra, gấp lại, quạt phe phẩy nên mới có tên là Then quạt. 19 cung then được ông sưu tầm, dịch nghĩa có những ý nghĩa khác nhau thể hiện nhu cầu tâm linh của người dân để cầu cúng xin con cái, chữa bệnh, giải hạn...

Để hiểu rõ về Then quạt, ông phải lên xã Khuôn Hà (Na Hang) và 1 số xã của huyện Chiêm Hóa xem nơi nào có đám cúng Then quạt để tận mắt lắng nghe, quan sát, chụp hình, hỏi chuyện. Sau nhiều lần đi thực tế, ông rút ra được sự tương đồng và khác nhau giữa Bụt, Then quạt, Then tính; giải thích về hiện tượng thuông nhập, cường nhập; so sánh về số cung, số câu, số trang giữa Then quạt và Then tính hết sức kỹ lưỡng; giới thiệu các đạo cụ, trang phục của Then quạt... Từ đó ông thấy rằng, dù giống hay khác nhau thì nội dung tư tưởng các khúc hát ở 2 dòng Then đều có điểm chung là thể hiện tính nhân văn, đề cao đạo đức, lối sống, nếp ăn, nếp ở, phê phán những thói hư tật xấu. Thiên nhiên trong Then được nói đến không chỉ dưới trần gian mà cả trên mường trời, đó là âm thanh của muông loài, của tiếng nước chảy, thác dội, của những cánh rừng đại ngàn...

Ông vẫn luôn trăn trở, dù hát Then đã được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng nhưng vẫn đang đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không có giải pháp hữu hiệu để bảo tồn. Bởi, Then nói chung và Then quạt trong quá khứ và hiện tại vẫn mang đến niềm tin về thế giới tâm linh của người Tày. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy Then là việc làm cần thiết, góp phần bảo lưu các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của người Tày.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/nang-long-voi-then-co-120865.html