Nâng kinh tế 'cất cánh'

Từng được xác định là “động lực tăng trưởng”, thậm chí là “xương sống” của nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam hiện chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp tới hơn 35% tăng trưởng GDP, tạo ra hàng triệu việc làm. Thế nhưng, lần đầu tiên khu vực kinh tế quan trọng này mới được “để mắt” tới với Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Ở các nước đã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU và các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... việc hỗ trợ các DNNVV đã được luật hóa từ nhiều thập kỷ trước. Thậm chí, ở một số quốc gia, vấn đề hỗ trợ, bảo vệ khối DN này đã được quy định trong Hiến pháp. Đến thời điểm này, “số phận” DNNVV nước ta mới được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội là quá muộn, quá chậm, song dù muộn còn hơn không.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc xây dựng và ban hành luật này cấp thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Hơn thế, đây còn là đòi hỏi bức bách của nền kinh tế, mệnh lệnh của cuộc sống. Bởi nhìn vào thực trạng cộng đồng DNNVV nước ta trong nhiều năm nay không khỏi “ngậm ngùi, xót xa” cho thân phận “thấp cổ bé họng” thiệt thòi trăm bề.

Có thể liệt kê hàng loạt cơ chế, chính sách chẳng những không ưu đãi, nâng đỡ DNNVV mà còn “trói tay” khiến họ không sao “lớn lên” được, chứ chưa nói tới chuyện đủ sức cạnh tranh với các công ty, doanh nghiệp “con đẻ” của nhà nước. Đó là những khó khăn trong mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiền thuê đất, thuế đất, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một trong những rào cản lớn nhất, khó vượt qua nhất đối với các doanh nghiệp vừa yếu về năng lực tài chính, vừa đuối về trình độ công nghệ là “đói” vốn kinh niên, trong khi điều kiện, khả năng và cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng không thể so được với các doanh nghiệp “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Đấy là chưa kể tình cảnh DNNVV thường bị phân biệt đối xử trong khi làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xin cấp phép, xuất nhập khẩu, nộp thuế...

“Giải phẫu” thể trạng đáng lo ngại của DNNVV để thấy, luật hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là khi nước ta đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững. Nếu không coi DNNVV là động lực tăng trưởng thì khó mà vượt qua được “bẫy” thu nhập trung bình, không thu hẹp được khoảng tụt hậu xa so với khu vực và thế giới. Chính phủ đã khẳng định tập trung vào các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân để gánh vác vai trò động lực kinh tế khi doanh nghiệp nhà nước giảm dần. Đây chính là “đường băng” nâng kinh tế “cất cánh”.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nang-kinh-te-cat-canh/708018.antd