Nắng dịu về chiều

Phiến đẩy cánh cổng vào sân. Ánh trăng chênh chếch chiếu rọi qua tán cây lộc vừng hắt xuống sân một khoảng sáng rộng. Ở nhà hai bố con phơi đống thóc to đùng này chắc cũng mệt lắm. Cũng may, con Khánh đã thi cử xong nên giúp bố được.

Con Khánh dọn mâm cho mẹ xong lại chúi đầu ngay vào cái máy vi tính. Chắc nó chát chít với bạn bè hoặc lướt web. Thi xong rồi thoải mái, chị không ngăn cản những lúc nó giải trí. Hồi trong năm học, Phiến luôn nhắc nhở chồng phải quan tâm, để ý đến con bé. Năm cuối cấp mà chểnh mảng, mải chơi sẽ khó mà đỗ được. Năm nay, thí sinh đông hơn mọi năm, cánh cửa vào lớp 10 sao mà nhỏ hẹp. Nó là đứa con gái ngoan đấy nhưng chẳng nói trước được điều gì.

Minh họa: HIỀN NHÂN.

- Bữa nào đem xát vài chục cân thóc nếp để thổi xôi ăn sáng dần, con nhé. Mẹ mua mấy cân lạc để trên giá bếp đấy. Sáng mai bỏ ra mà bóc vỏ cho mẹ!

Phiến xoay nắm cửa, ngó vào phòng dặn con bé, con Khánh nghe tiếng mẹ giật mình quay ra có vẻ lúng túng.

- Làm gì mà nhìn mẹ như là thấy cọp thế. Cấm có yêu đương nhắng nhít đấy nhé.

- Ôi mẹ, con biết gì đâu mà yêu với chả đương. Con có kế hoạch riêng của con cơ mà!

- Cô chưa đến tuổi đâu. Mẹ là mẹ cứ nhắc trước thế. Không thừa.

Phiến lừ mắt ra chiều quan trọng, ý chừng nhắc nhở con chuyện nghiêm túc, không đùa. Chị đã nghe chuyện ở công ty, mấy đồng nghiệp vẫn thường buôn chuyện trong lúc nghỉ giải lao. Người ta bàn tán nhỏ to chuyện bọn trẻ giờ ăn uống đủ đầy, phổng phao, dậy thì sớm, lại mạng mẽo dễ kết bạn làm quen, ảnh hưởng của cõi mạng cũng khiến chúng yêu đương sớm.

Nhiều cặp đôi mặc nguyên đồng phục chở nhau trên đường, ôm eo, thắm thiết. Có đôi bạo gan sau giờ học còn rủ nhau đi nhà nghỉ. Chị nghe mà chột dạ. Con Khánh đã bước vào tuổi trăng rằm, bắt đầu có vóc dáng thiếu nữ, mông nở nang hơn trước, khuôn ngực nhu nhú như núm cau, mắt lóng lánh, gương mặt tròn trịa, bầu bĩnh. Chị cũng luôn miệng dặn con không được mặc đồ mỏng, ngắn khi ra đường. Biết đâu những kẻ tà dâm lại nằm trong số những người quen biết. Nhìn nó bây giờ mà bằng chị mười tám đôi mươi thuở xưa!

Qua những ngày lo âu phấp phỏng, niềm vui đến vỡ òa khi con bé có kết quả thi đỗ lớp 10 THPT. Chị ngồi trong xưởng nhận được tin nhắn của con mà muốn reo lên thật to. Bữa ấy, chị không tăng ca, về sớm hơn thường lệ. Chị ghé nhà bà Đỗ cuối xóm bắt con vịt về luộc, tạt qua quán nhà chị Nhân mua cân măng về nấu nước sáo, làm bữa liên hoan. Trong niềm vui chị cũng không quên dặn dò con, lên cấp 3 cần cố gắng ngay từ đầu, kẻo đến lớp 12 không kịp vì nhiều trường đại học xét tuyển học bạ, xét điểm ngay từ năm học lớp 10.

Chiều ấy, nắng đã dịu hơn. Trên hàng cây ven đường, những giọt nắng rơi qua vòm lá ánh lên vệt sáng nhẹ nhàng. Bầu trời trong veo như mắt trẻ…

Ngày hè nắng vàng như mật, hoa quả mùa này phong phú, ngọt lịm tim. Quê chị vải được mùa đang vào độ chín rộ. Những trái vải chín đỏ ửng nổi bật trên những vòm cây xanh, từng chùm quả lúc lỉu trĩu nặng đu cành sà xuống đất. Thương lái về thu mua đông, những chuyến xe với những thùng hàng đầy ắp vải, rồng rắn vận chuyển ra các điểm thu mua. Sáng sớm, con Khánh nhanh nhẹn khoác áo chống nắng sang bẻ vải thuê nhà bác Hài, cô Sáu từ sáng sớm đến lúc chiều muộn. Chị đi làm về, ghé qua phòng đã thấy nó tắt điện im ắng.

***

Anh như thể đã chờ chị từ lâu. Ăn cơm xong, ra bàn uống nước, vừa nhấp môi tách chè, anh đã vồn vã:

- Con Khánh muốn đi làm trên phố, chỗ ấy công việc nhàn hạ. Ý em thế nào?

- Nó tuổi học sinh, đã có bằng cấp gì đâu mà mong tìm được công việc nhẹ nhàng. Không dễ thế đâu!

Con bé mặt mày tươi rói, nghe mẹ nói có vẻ không tin tưởng nó tìm được việc, bèn vội khoe:

- Con có người quen giới thiệu mà. Mẹ cứ yên tâm. Con đi làm hai tháng, tính ra kiếm được hơn chục triệu đấy chứ. Đủ tiền mua cái xe máy điện. Mẹ không phải lo tiền cho con nữa.

Phiến ậm ừ. Thực ra mấy hôm nay con Khánh mè nheo suốt. Nó hỏi xin chị đi làm vì ở nhà mấy tháng hè cũng chán. Chị bảo, nếu muốn xin việc thì chị xin cho làm thời vụ ở công ty. Tưởng nó đồng ý thế mà nó lại chê chỗ chị làm bụi bặm, vất vả, bí thời gian. Làm ở nhà hàng chỉ theo ca nên có thời gian rảnh để nghỉ ngơi lại sức. Kể ra nếu thuận lợi như nó nói, chị không phải lo tiền mua xe, chỉ cần chuẩn bị tiền học phí và các khoản đầu năm học tới. Con Khánh dậy thì, nhìn lớn vổng hẳn lên. Thấy mẹ nhìn mình, nó hớn hở reo vui:

- Mẹ cười chắc là đồng ý

rồi nhá!

Chị cẩn thận hỏi lại con bé.

- Cơ mà ai xin việc cho con vậy?

- Người thân của bạn con mẹ ạ.

Phiến cầm chiếc ví rút ra đôi tờ 500 ngàn, tiền này cho con bé đi đường và tiêu vặt. Tiền ăn ở đã có nhà hàng bao. Nó ra ngoài làm cho có thêm trải nghiệm cuộc sống, sau này đi học đại học đỡ lơ ngơ như gà công nghiệp, dễ bị người ta bắt nạt. Chị an ủi mình bằng những ý nghĩ ấy.

Lúc con Khánh nhắn tin báo đã đến thành phố, chị yên tâm phần nào. Chị chỉ kịp liếc nhanh tin nhắn rồi vội vàng làm việc ngay. Thời gian nghỉ trưa ít ỏi chỉ 1 tiếng rồi lại phải vào việc buổi chiều nên chị muốn tranh thủ gọi cho con hỏi han đôi điều về chỗ ăn chỗ ở. Con bé nói ngắn gọn rồi cúp máy. Nó dặn đôi ba hôm nó sẽ gọi điện về một lần. Chị không phải gọi lên cho nó nữa.

Công việc cuốn đi, thấm thoắt đến ngày cuối tuần. Đã năm hôm rồi mà không thấy con nhắn tin, gọi điện về, Phiến sốt ruột. Chị nạp thêm tiền vào điện thoại định bụng sẽ gọi cho con bé nói chuyện dài hơn, hỏi con cụ thể tình hình, xem con bé đã quen với công việc chưa. Chị lần tìm số của con và bấm máy. Tiếng tút tút kéo dài làm chị sốt ruột. Chị nhìn lại số lần nữa. Số của con Khánh đây mà, không nhầm được. Chị ra hành lang cho thoáng mát và bấm lại. Vẫn là tiếng tút tút vô hồn ấy. Con bé vẫn đang làm việc chăng? Chắc nhà hàng ngày cuối tuần đông khách? Chị đành chờ đến hơn 10 giờ, trong lòng thắc thỏm vô cùng. Vẫn không liên lạc được. Có điều gì làm chị bồn chồn không yên.

Tận đến tối muộn hôm sau chị kiên trì gọi cho con nhưng vẫn là tiếng cô tổng đài với giọng đều đều: “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...”, chị như tàu lá úa rủ xuống, chân bước không vững nữa. Anh bỏ bê vườn tược sốt ruột điện cho người nọ người kia. Ai cũng khuyên vợ chồng chị nên báo công an sớm, may ra còn tìm được người cứu về. Bây giờ lừa đảo nhiều lắm!

***

Phiến mở điện thoại ngắm đi ngắm lại mấy tấm hình của con gái. Tấm ảnh con Khánh chụp bên gia đình hôm Tết với gương mặt rạng rỡ xinh tươi. Tấm nó nhí nhảnh tạo dáng ở ngoài vườn với rổ rau đay vừa hái, con bé giơ hai ngón tay tạo hình trái tim, biểu cảm dễ thương hết mức. Không biết giờ này con bé đang ở đâu. Thế mà đã hai hôm nay từ lúc trình báo, công an vẫn chưa tìm thêm manh mối gì.

Qua trích xuất camera, con bé xuống bến xe rồi đi bộ vào một siêu thị gần đấy. Chừng mười phút sau có một chiếc xe màu đen đến đón. Cung cấp địa chỉ nhà hàng, tên phố bên công an nhận định không có nhà hàng nào ở địa chỉ như đã ghi trong tờ giấy mà chị đưa. Thế ra con bé bị người ta lừa. Vợ chồng chị đều tin tưởng rằng con mình được người ta giúp nên chẳng mảy may nghi ngờ. Chị xin nghỉ làm, mắt quầng thâm vì cả đêm thức trắng. Cứ mỗi lần có điện thoại gọi đến, chị và anh lại giật bắn tim.

Bé Hiền rụt rè chào chị. Hiền và con Khánh chơi với nhau khá thân. Nó rút cái điện thoại chìa cho chị xem facebook của một người có nickname là Kim Duyên. Con bé không tin vào mắt mình. Những tin nhắn đã được người kia thu hồi từ bao giờ khiến nó châng hẩng. “Cô Kim Duyên nhắn tin mời cháu và bạn Khánh lên thành phố làm ở nhà hàng cô ạ. Nhưng bố mẹ cháu không cho đi nên Khánh mới đi một mình”. Chị dẫn con bé đến gặp Đại úy Thuận. Anh đại úy nói với chị bằng giọng đầy thương cảm:

- Tôi cũng đã sớm đoán định tình hình sự việc theo chiều hướng này. Chị yên tâm. Chúng tôi sẽ làm hết khả năng có thể để đưa con bé về với gia đình.

Trên đường trở về nhà, cái nắng nóng rát mặt từ mặt đường bốc lên làm Phiến choáng váng. Đầu chị cứ ong lên những lời của anh công an bên tai mình: “Hiện nay trường hợp lừa đảo thanh thiếu niên bán vào các tụ điểm mại dâm núp bóng quán karaoke hoặc buôn người sang bên kia biên giới vào các sòng bạc làm việc không công, bị bóc lột sức lao động không phải là ít. Bọn tội phạm thường dùng chiêu thức dụ dỗ bằng cách hứa hẹn xin vào chỗ việc nhẹ lương cao nên các cháu nhẹ dạ thường hay bị sập bẫy”.

Con Khánh mỏng manh như đóa hoa buổi sớm. Nếu bị đẩy vào những chỗ nhơ nhớp ấy thì còn gì là đời nữa. Phiến nấc nghẹn. Vừa bước vào nhà thì có điện thoại gọi đến. Chị run run nghe máy. Người này nói đang ở Campuchia. Bảo, nếu chị chuyển vào tài khoản cho gã 100 triệu thì con Khánh sẽ được về nhà. Những 100 triệu nhà chị lấy đâu ra? Mà nếu có chạy vạy được, làm theo lời gã liệu con gái chị có được thả về? Những ý nghĩ ấy làm chị bấn loạn. Anh bàn, có tin tức gì phải khai báo ngay với công an để họ có phương án giải quyết hiệu quả. Chị lưỡng lự. Chờ được giải quyết thì có khi lúc ấy con Khánh đã bị đẩy vào động phục vụ cho bọn quỷ rồi. Thế nên khi anh đi báo tin chị đã chật vật lo gom tiền cho đủ.

Bất ngờ, bên công an thông tin, cách đó vài giờ, đồn biên phòng tỉnh nọ nhận được cuộc điện thoại của một chủ quán phở. Người chủ quán tốt bụng sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu của con Khánh lúc bọn họ dừng chân bên đường ăn uống đã bí mật điện ngay cho biên phòng. Chỗ quán phở ấy còn cách biên giới Campuchia chừng hơn 60 km. Vậy là người đàn ông gọi điện tống tiền gia đình chị lúc nãy là lừa đảo ư? Con Khánh vẫn còn ở Việt Nam kia mà. Chị hồi hộp, tim như muốn vỡ tung ra, lòng khấp khởi hy vọng.

“Mẹ ơi, con nhớ bố mẹ nhiều lắm. Bố mẹ tha lỗi cho con nhé!”. Chị vừa được anh công an chuyển máy, còn chưa kịp nói điều gì đã nghe phía điện thoại bên kia giọng con Khánh nức nở. Tiếng anh công an bên cạnh an ủi nó: “Thôi nào, đừng khóc nữa cô bé. Rồi sẽ sớm về đoàn tụ với gia đình thôi”. Chị mừng mừng tủi tủi, không kìm được nước mắt chảy ra nhưng cố nén để vỗ về động viên con: “An toàn rồi. May mà có các chú công an giải cứu. Cũng tại một phần là lỗi chủ quan ở bố mẹ. Con đừng lo lắng gì nữa nhé. Đã có lịch hai tuần nữa con đi tập trung, đăng ký lớp đấy!”.

Chiều ấy, nắng đã dịu hơn. Trên hàng cây ven đường, những giọt nắng rơi qua vòm lá ánh lên vệt sáng nhẹ nhàng. Bầu trời trong veo như mắt trẻ…

Truyện ngắn của Vũ Thị Thanh Hòa

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/407187/nang-diu-ve-chieu.html