Nâng cấp đê biển vẫn mang tính dàn trải

– Việc nâng cấp đê biển tại một số nơi vẫn mang dàn trải, chưa đáp ứng được phương châm làm đâu được đấy; chưa tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nhiều tỉnh chưa thực sự quan tâm trồng cây chắn sóng bảo vệ đê…là những đánh giá của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị sơ kết 5 năm (2006-2010) thực hiện Chương trình củng cố, bảo vệ, nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam được tổ chức hôm nay (25/6).

Ngày 14/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình củng cố, bảo vệ, nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam do Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng. Tiến độ củng cố, nâng cấp chậm Theo ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, nếu so với các chỉ tiêu chính của Chương trình là: Chiều dài đê biển cần nâng cấp: 1.693 km; Diện tích cây chắn sóng cần trồng: 7.350 ha; Số lượng cống cần cải tạo, xây mới: 1005 cống; Kinh phí: giai đoạn từ năm 2006-2010 là 10.000 tỷ đồng thì những kết quả qua 5 năm thực hiện Chương trình là thấp. Cụ thể, tổng kinh phí đã đầu tư (kể cả kế hoạch năm 2010) chỉ trên 3.000 tỷ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch, mức trung bình năm trên 600 tỷ đồng. “Với mức đầu tư như hiện nay, nếu tính trượt giá so với năm 2006 thì phải đến năm 2020 mới hoàn thành Chương trình - ông Hoài nhấn định. Đặc biệt, tính đến nay, mới chỉ có 272 km đê được xây dựng, củng cố, như vậy mới đạt được gần 20% so với tổng chiều dài cần nâng cấp của Chương trình (chưa tính phần khối lượng đã giao năm 2010). Điều đáng nói là việc trồng cây chắn sóng bảo vệ đê mặc dù đã được Bộ NN&PTNT có chỉ thị và công văn chỉ đạo đôn đốc thực hiện nhưng các địa phương chưa thực sự chú trọng nên kết quả đạt được vẫn rất thấp, mới chỉ có 132 ha diện tích cây chắn sóng đã trồng. Mặt khác, qua 5 năm mới chỉ đầu tư cải tạo, xây dựng được 42/1.005 cống trọng điểm xung yếu cần được cải tạo và xây dựng. Ông Hoài cũng đánh giá: việc đầu tư dàn trải, tổ chức các Ban quản lý dự án cũng chưa thực sự thống nhất. Có nơi, gói thầu bị chia nhỏ dẫn đến nhiều công trình bị chậm tiến độ không kịp hoàn thành trước mùa mưa bão của năm kế hoạch, buộc công trình xây dựng dở dang đưa vào chống bão gây lãnh phí, tốn kém. Cần quyết tâm thực hiện Chương trình Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, Bộ NN&PTNT đã đề ra các giải pháp như tăng mức vốn đầu tư hàng năm để hoàn thành Chương trình vào năm 2015; xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án cấp bách để ưu tiên đầu tư; bố trí vốn đầu tư tập trung dứt điểm từng dự án; tăng cường trồng cây chắn sóng ở các khu vực trồng được, tạo bãi, cải tạo đất để thuận lợi hơn cho việc trồng cây chắn sóng … Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng hứa sẽ chỉ đạo quyết liệt các cơ quan của Bộ tập trung nghiên cứu cây trồng thích hợp với chất đất bảo đảm đến năm 2013 hoàn thành việc trồng cây chắn sóng trên tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Cùng với đó, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn phân cấp quản lý đê, duy tu, bảo dưỡng đê biển sau đầu tư nhằm khai thác hiệu quả bền vững các nguồn lợi phát triển kinh tế… Tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: các địa phương cần nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của hệ thống đê biển và đặc biệt cần bắt tay thực hiện Chương trình. Pho Thủ tướng chỉ đạo, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng 13 tỉnh trong Chương trình cần rà soát quy hoạch hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và quy hoạch đường giao thông ven biển nhằm tận dụng tối đa khả năng tuyến đê kết hợp với đường giao thông ven biển, cầu qua sông kết hợp với cống kiểm soát lũ, mặn, giữ ngọt. Đồng thời các địa phương tập trung dứt điểm từng dự án, không dàn trải, huy động thêm các nguồn lực của địa phương để thực hiện. “Các tỉnh trong Chương trình cần tập trung nguồn lực hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng trong 1-2 năm tới, chậm nhất là 3 năm sau phải hoàn thành. Đối với các đê kè, đến năm 2015, dứt khoát các tỉnh cần hoàn thiện” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=410109&co_id=30692