Nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm

Thời gian qua, không ít hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phố hoạt động theo mô hình liên kết mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là giải pháp quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Chưa kể, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ phần nào tăng khả năng cạnh tranh của các HTX dịch vụ nông nghiệp.

Ở tuổi gần 80, vợ chồng ông Nguyễn Đấu, Lê Thị Lanh, hội viên HTX ngày ngày chở nhau trên chiếc xe máy 3 bánh ra đồng chăm sóc rau màu. Ảnh: TIỂU YẾN

Người dân hưởng lợi

Trên sào đất rộng 600m2 tại HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) trồng đủ loại rau ăn lá như mồng tơi, dền, cải, rau muống, tần ô. Ngoài ra, trên giàn, bà trồng thêm bầu, bí, khổ qua, dưa leo để có rau, quả bán quanh năm.

Bà Tuyết kể, từ khi trở thành hội viên HTX, suốt ngày bà ở ngoài đồng, luôn tay luôn chân chăm bón vườn rau bởi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Giá rau thị trường không ổn định nên rất khó nói con số chính xác về mức thu nhập hằng tháng, tuy nhiên, thu nhập từ trồng rau đủ để bà trang trải cuộc sống và có chút để dành phòng khi trái gió, trở trời.

Thu nhập ổn định giúp người nông dân quyết tâm bám đồng. Ở tuổi gần 80, vợ chồng ông Nguyễn Đấu, Lê Thị Lanh, hội viên HTX ngày ngày chở nhau ra đồng chăm sóc rau màu. Hôm chúng tôi đến, nhìn ông Đấu tay chống nạng, tay cầm vòi tưới nước trong lúc bà Lanh ngồi cắt rau gần đó mới thấy hạnh phúc của đôi vợ chồng già thật đơn giản. Nhờ công người vun trồng, một sào rưỡi đất màu của gia đình ông Đấu luôn phủ màu xanh non tơ của rau muống, mồng tơi, bí đao, bí đỏ… Kiểu trồng cuốn chiếu, loại rau này đang kỳ thu hoạch thì đám rau khác đã bung mầm lên khỏi đất giúp vườn rau luôn có nguồn thu.

Theo ông Lanh, trước và sau Tết, giá mỗi chục mồng tơi, rau muống, rau cải, khổ qua 70.000 - 80.000 đồng, nông dân sống khỏe; nay giá thị trường rẻ hơn, tầm 20.000-30.000 đồng một chục rau các loại nhưng vợ chồng ông vẫn yên tâm chăm bón vì hiểu sự thất thường này. Mỗi ngày, bà Lanh cắt khoảng 30-50kg rau, phần đưa vào HTX tiêu thụ, phần mang đến chợ Túy Loan. Cứ thế, chiếc xe máy 3 bánh của ông Lanh ngược xuôi giữa chợ và đồng, mang theo rau, quả sạch và niềm hy vọng của người nông dân theo từng bữa chợ.

Nhờ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ và tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rộng khắp, đời sống kinh tế của bà con xã viên HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan ổn định hơn. Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX cho hay, hiện có khoảng 50% sản lượng rau của bà con HTX vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trường học. Tròn 12 năm thành lập, đến nay 40 bà con xã viên HTX sản xuất ổn định trên cánh đồng rau màu mỡ, rộng 8ha bên dòng sông Túy Loan, sản lượng bình quân đạt 250 tấn/năm. Thời điểm giá thị trường ổn định, mỗi hội viên thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2012, đến nay có khoảng 30% sản lượng rau La Hường (quận Cẩm Lệ) được tiêu thụ ở hệ thống cửa hàng tiện lợi. Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn La Hường cho biết, sở dĩ con số tiêu thụ ở cửa hàng tiện lợi ít vì mỗi năm nông dân La Hường chỉ sản xuất được 9 tháng. Dẫu vậy, đầu ra của rau La Hường rất ổn định do tiểu thương đến tận vườn thu mua, cung không đủ cầu. Theo ông Hoàng, do đặc thù sản xuất rau trên cánh đồng ven sông nên dù có nhiều đối tác siêu thị, chuỗi cửa hàng liên hệ đặt hàng quanh năm nhưng HTX đành từ chối vì không thể cung ứng trong mùa mưa.

Cũng theo ông Hoàng, thay vì tiêu thụ dàn trải, HTX chỉ định hội viên ký hợp đồng với từng đối tác cụ thể. Đơn cử, HTX giao cho hộ ông Lê Duy Nam ký hợp đồng cung ứng rau cho HTX Thực phẩm nông sản an toàn Thu Bồn và sản xuất loại rau theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ông Lê Duy Nam cho hay, mỗi ngày, gia đình ông cung ứng khoảng 50kg rau xanh cho Thu Bồn với giá cao hơn giá bán sỉ trên thị trường.

Liên kết thu mua rau sạch tại vùng rau La Hường cũng giúp HTX Thực phẩm nông sản an toàn Thu Bồn ổn định nguồn cung. Ông Lê Anh Quang, Giám đốc HTX Thu Bồn đánh giá, chuỗi liên kết giữa đơn vị sản xuất và tiêu thụ giúp bài toán cung - cầu ổn định. Qua đó, HTX giảm chi phí vận chuyển, bảo quản, có nguồn rau tươi ngon, chất lượng trong khi người dân ổn định đầu ra, giá cả tương xứng với chất lượng nên mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Tạo dấu ấn từ chuỗi giá trị

Thông tin từ Liên minh HTX Đà Nẵng cho biết, hiện nay có hơn 15.000 lao động làm việc tại các HTX, tạo nhiều chuỗi liên kết cung cấp dịch vụ cây/con giống, phân bón, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Phan Võ Hạnh Thủy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố khẳng định, liên kết chuỗi giúp người nông dân giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong quá trình xúc tiến, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, Liên minh HTX xác định sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển HTX là hướng đi bền vững, tạo thu nhập ổn định cho bà con xã viên. Từ định hướng này, năm 2018, Liên minh HTX ký kết chương trình phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh, giải quyết việc làm. Đồng thời, đồng hành cùng bà con trong các chương trình, chính sách hỗ trợ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn vốn vay, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, cung cấp con/cây giống thuần chủng… “Việc liên kết theo chuỗi khép kín giữa các HTX sản xuất nông nghiệp, dịch vụ giúp người nông dân khắc phục tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa”, bà Thủy đúc kết.

Điểm mạnh của mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giúp không ít HTX xây dựng được thương hiệu, tăng thu nhập cho xã viên. Ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh - Dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh (viết tắt HTX Kim Thanh, quận Thanh Khê) cho biết mỗi ngày HTX sản xuất trên 200kg nấm thương phẩm, chưa kể sản phẩm nấm chế biến. Để bảo đảm đời sống kinh tế hội viên HTX, ông Mười không dừng lại ở khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến sản phẩm từ nấm, mà đầu tư trồng thêm một số rau sạch, cây cảnh, sản phẩm trang trí từ gỗ, tre nứa, rơm rạ. Hiện nay, gần 40 xã viên HTX tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hơn 8.000m2, theo chuẩn VietGap.

Ngoài ra, để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất nấm khô, HTX Kim Thanh liên kết nông dân các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Hải, Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) trồng nấm sò, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm Linh Chi. Với công nghệ ủ sấy nấm khô, chế biến nấm thương phẩm giá thành 50.000 đồng/hộp, sản phẩm của HTX Kim Thành được nhiều khách sạn, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm tại Đà Nẵng thu mua, phân phối.

“Tích cực liên kết sản xuất, phân phối giúp HTX tạo thương hiệu, chuỗi giá trị khép kín, từ cung cấp phôi giống, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua và chế biến sản phẩm, tăng doanh thu mỗi năm từ 10-15%. Hiện sản phẩm rau, nấm của HTX Kim Thành có mặt tại các siêu thị Vita Mart, Co.op Mart, Green Tech Food, An Phú Farm, 4U Farm và nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố”, ông Mười vui vẻ nói.

Có thể nói, tham gia chuỗi giá trị, nông dân HTX được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro, sản xuất theo nhu cầu thị trường, tăng giá trị thương phẩm; đồng thời, được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, cung ứng vốn sản xuất…

Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, UBND huyện đang đề xuất thành phố đầu tư công 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng 20,9ha tại xã Hòa Phú và 16,2ha tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Hiện nay, UBND huyện khuyến khích các HTX nông nghiệp, dịch vụ tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tập trung, chuyên canh (rau, củ, quả, hoa, cây cảnh) và hỗ trợ sản xuất nấm thương phẩm, nấm dược liệu... Đây được xem là những lợi thế giúp kinh tế nông thôn Hòa Vang tiếp tục phát triển thời gian tới.

TIỂU YẾN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202304/kinh-te-nong-thon-nang-cap-chuoi-gia-tri-san-pham-3942510/