Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động và chủ sử dụng lao động

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng, khiến nhiều người thiệt mạng, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình người lao động (NLĐ). Làm gì để giảm TNLĐ trong lĩnh vực này là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Ngày 2-1 vừa qua, một nhóm công nhân trong quá trình di chuyển bằng thang vận hành tại công trường thi công trụ sở làm việc mới của Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, TP Vinh (Nghệ An) thì thang bị rơi tự do xuống đất. Hậu quả vụ TNLĐ này khiến 3 người tử vong, 8 người bị thương.

Tại TP Hà Nội, thời gian qua, tình trạng TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng diễn ra khá phức tạp, không ít vụ để lại hậu quả nghiêm trọng. Quá trình tìm hiểu thực tế chúng tôi ghi nhận không ít công trình xây dựng chưa bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ), như: Công nhân không được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân (mũ, găng tay, dây an toàn...), các phương tiện thi công chưa bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, đơn vị thi công còn để nguyên, vật liệu, máy móc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông...

Người lao động tại một công trình xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội còn thiếu các phương tiện bảo hộ cá nhân.

Người lao động tại một công trình xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội còn thiếu các phương tiện bảo hộ cá nhân.

Nói về nguyên nhân dẫn đến TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Chi nhánh Sông Đà 3.07 (Công ty Cổ phần Sông Đà 3, Tổng công ty Sông Đà-CTCP) cho biết: “TNLĐ trong lĩnh vực này chủ yếu là tai nạn ngã cao. Nguyên nhân do doanh nghiệp bố trí công nhân không đủ điều kiện sức khỏe để làm việc trên cao; công nhân chưa được huấn luyện về chuyên môn dẫn đến vi phạm quy trình kỹ thuật, kỷ luật lao động. Các cơ quan chức năng cũng thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên để phát hiện, ngăn chặn, khắc phục kịp thời vi phạm... Bên cạnh đó còn có nguyên nhân kỹ thuật do quá trình thi công đã sử dụng các phương tiện làm việc trên cao không bảo đảm yêu cầu an toàn...”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Tùng, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa chia sẻ kinh nghiệm: “Nhằm giảm thiểu TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác vệ sinh, an toàn lao động (ATVSLĐ) tại tất cả các công trình xây dựng. Kiên quyết tạm đình chỉ, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục ngay vi phạm, kiểm tra đạt yêu cầu mới cho thi công tiếp. Đối với các công trình xây dựng sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ (máy vận thăng, cần cẩu tháp, xe nâng, pa-lăng điện...), yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trước khi đưa những thiết bị này vào sử dụng phải tổ chức kiểm định kỹ thuật bảo đảm an toàn và khai báo với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Mặc dù công tác bảo đảm ATVSLĐ luôn được các cấp ủy, chính quyền của tỉnh quan tâm, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, tuy nhiên, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra một số vụ TNLĐ, trong đó vụ TNLĐ xảy ra vào tháng 12-2020 làm một người chết. Điều này cho thấy, không lúc nào được chủ quan trong công tác bảo đảm ATVSLĐ. Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo đảm ATLĐ cho cả NLĐ và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, cần phải tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm, thi công công trình xây dựng không bảo đảm ATLĐ". Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hoàng cho rằng: “Trước hết, NLĐ phải có ý thức tự bảo vệ, kiên quyết không làm việc khi thiếu phương tiện bảo hộ, điều kiện làm việc thiếu an toàn. Mặt khác, các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cũng phải nêu cao trách nhiệm, tuyển dụng lao động phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy định, bảo đảm về sức khỏe, đồng thời được huấn luyện về ATLĐ, thường xuyên quan tâm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ...”.

Bài và ảnh: VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-cao-y-thuc-trach-nhiem-cua-nguoi-lao-dong-va-chu-su-dung-lao-dong-648779