Nâng cao vị thế khi đảm nhiệm vị trí chủ tịch Hiệp hội Xuất bản ASEAN

Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết hội sẽ thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao vị thế khi đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á.

Hội Xuất bản Việt Nam sẽ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA) giai đoạn 2022-2023.

Theo thông tin từ Hội Xuất bản Việt Nam, lễ chuyển giao chức vụ sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến chiều 15/12 với sự tham gia của các thành viên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á.

Trước thềm sự kiện, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - chia sẻ về công tác chuẩn bị khi đảm nhận vị trí này.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.

Đẩy mạnh giao lưu bản quyền, phát triển văn hóa đọc trong khu vực

- Thưa ông, ngành xuất bản Việt Nam đã đạt được thành tựu gì từ khi đồng sáng lập và tham gia Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á?

- Từ khi Hội Xuất bản Việt Nam đồng sáng lập Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á năm 2005, chúng ta đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong mọi hoạt động. Tại tất cả phiên họp của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Hội Xuất bản Việt Nam đều có thành viên tham gia, triển khai các chương trình hoạt động nghiêm túc trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Việt Nam luôn giữ sự liên kết, phối hợp với các hội xuất bản thuộc khu vực, tuân thủ nguyên tắc, điều lệ của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á.

Việt Nam luôn giữ sự liên kết, phối hợp với các hội xuất bản thuộc khu vực, tuân thủ nguyên tắc, điều lệ của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo

Xuất bản Việt Nam có những đặc thù nhưng Hội Xuất bản Việt Nam có sáng kiến nhất định khi tham gia Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á.

Một số sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao là chủ trương phát triển mạnh văn hóa đọc, hình thành mô hình đường sách, phố sách.

Ngoài hội chợ sách hàng năm, các địa phương đều có hoạt động riêng về sách, hình thành Ngày Sách và Văn hóa đọc… Đó đều là những hoạt động góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

Chúng ta đã giao lưu với các hiệp hội xuất bản, nhà xuất bản trong khu vực Đông Nam Á để mua bán bản quyền, giới thiệu sách của Việt Nam. Các hoạt động này tuy chưa nhiều, bước đầu đã có kết quả tích cực.

- Hội Xuất bản Việt Nam đã chuẩn bị gì để đảm nhiệm vị trí chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á?

- Đây là chức chủ tịch luân phiên. Hội Xuất bản Việt Nam từng từ chối vị trí này do những điều kiện cụ thể trước đó. Năm nay, chúng ta chính thức nhận trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn phức tạp.

Thường vụ Hội Xuất bản Việt Nam đã báo cáo các cấp có thẩm quyền. Chúng tôi trao đổi kinh nghiệm với những nước đã đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên, trước mắt, sẽ tổ chức tốt lễ tiếp nhận. Dù diễn ra với hình thức trực tuyến, lễ tiếp nhận phải đảm bảo trang trọng, hiệu quả.

Quảng bá đất nước, văn hóa, con người Việt Nam

- Trong nhiệm kỳ là chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

- Chúng tôi đang chuẩn bị chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên. Ngoài kế thừa của các nước làm chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á trước đó, chúng tôi có sáng kiến riêng.

Thứ nhất, các thành viên tăng cường phối hợp trong vấn đề bản quyền, vừa bảo vệ bản quyền của nhau, vừa trao đổi mua bán bản quyền trong khối ASEAN.

Hội Xuất bản Thái Lan nhận cờ khi đảm nhiệm chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á năm 2019. Ảnh: TS Nguyễn Mạnh Hùng.

Thứ hai - hoạt động mũi nhọn - chúng tôi tiếp tục phối hợp hội xuất bản các nước để phát triển văn hóa đọc trong khu vực. Điều này vừa giúp quảng bá sản phẩm văn hóa của thành viên trong khu vực, đồng thời học hỏi kinh nghiệm nước bạn.

Chúng ta sẽ tổ chức hội sách của khu vực. Nếu điều kiện cho phép, sự kiện dự kiến diễn ra tại đường sách TP.HCM vào nửa cuối năm 2022. Các thành viên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á đã nghe và đánh giá cao mô hình đường sách này. Nếu dịch phức tạp, chúng ta sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Một chủ đề quan trọng nữa là tổ chức các hội thảo chuyên đề để tháo gỡ hoạt động xuất bản nói chung, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Hiện nay, các tổ chức xuất bản đều gặp khó khăn vì đại dịch. Thành viên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á cần bàn thảo kinh nghiệm, khi xảy ra bất thường mang tính toàn cầu hay ở khu vực thì xử lý như thế nào cho hiệu quả...

Đây là dịp để quảng bá đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo

Tôi hy vọng trong quá trình Việt Nam đảm nhận vị trí này có sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí. Đây là dịp để quảng bá đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài.

Hội Xuất bản Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để có chương trình quảng bá, tuyên truyền phù hợp, đạt hiệu quả, nâng cao vị thế của hội trong khu vực và trên trường quốc tế.

- Ông đánh giá như thế nào về cơ hội, thách thức đối với Hội Xuất bản Việt Nam khi đảm nhận vị trí này?

- Cơ hội luôn đan xen thách thức. Mỗi nước có một đặc điểm thể chế khác nhau nhưng văn hóa luôn có nét chung.

Chúng ta cần xử lý hài hòa các vấn đề như nêu cao văn hóa đọc trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời thể hiện đặc thù riêng của từng thành viên trong khu vực.

Bằng sự chuẩn bị và sáng kiến của mình, chúng tôi kỳ vọng đạt được điều đó.

Đỗ Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nang-cao-vi-the-khi-dam-nhiem-vi-tri-chu-tich-hiep-hoi-xuat-ban-asean-post1283287.html