Nâng cao vai trò, vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại

Từ xưa đến nay, sự học và vai trò của người thầy luôn được đề cao, nghề dạy học được thừa nhận là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Người thầy luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và phẩm hạnh. Trong xã hội hiện đại, vai trò của người thầy càng được xem trọng, không chỉ bởi là người truyền thụ kiến thức, mà còn là người góp phần quan trọng hình thành nên nhân cách cho thế hệ trẻ, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Cô, trò Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: Lê Phong

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bộn bề khó khăn, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục, xem đó là nhiệm vụ cấp bách khi yêu cầu xếp chống nạn mù chữ là việc quan trọng thứ hai phải làm ngay chỉ sau việc chống nạn đói. Cũng chính Người đã khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, và “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh...” để đề cao vai trò của người thầy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta luôn coi trọng và đề cao vai trò của giáo dục và đào tạo, xác định là “quốc sách hàng đầu”, là yếu tố quan trọng để phát triển đất nước và hội nhập sâu rộng. Các văn kiện của Đảng đều khẳng định điều này, cùng với việc đổi mới tư duy, nội dung, phương pháp dạy và học, thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng chuẩn hóa đều được chú trọng. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết đó là “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong thực hiện các chiến lược và mục tiêu của giáo dục và đào tạo.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hết sức sâu rộng như hiện nay, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho đất nước đã và đang tiếp tục đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo nói chung, mỗi thầy, cô giáo nói riêng những nhiệm vụ nặng nề hơn, nhưng cũng cao quý hơn: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học... Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Nhưng cũng trong bối cảnh ấy, vị thế, vai trò của người thầy đang có những thay đổi dưới tác động của mặt trái kinh tế thị trường và những đòi hỏi khắt khe hơn từ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả xã hội dành cho nhà giáo, mỗi thầy, cô giáo phải luôn nỗ lực là tấm gương sáng về học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy, mới nâng cao vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại, góp phần đắc lực vào sự nghiệp “trồng người”, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; để vị thế của người thầy luôn được ghi nhận và trân quý như đạo lý “Tôn sư, trọng đạo” ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Thanh Hóa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/nang-cao-vai-tro-vi-the-cua-nguoi-thay-trong-xa-hoi-hien-dai/200161.htm