Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý vi phạm hành chính

Sau khi tiến hành giám sát công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) ở một số huyện và sở, ngành, ngày 1/11, Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh do ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh.

Tham dự có ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị. Buổi làm việc còn kết nối trực tuyến với cấp huyện.

Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, đại diện UBND tỉnh báo cáo kết quả công tác xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, công tác xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các vụ việc xảy ra được phát hiện kịp thời; trình tự, thủ tục thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Tổng số vụ vi phạm trên địa bàn tỉnh trong niên độ báo cáo (từ 1/1/2021 đến 30/6/2023) là 22.109 vụ, liên quan đến 24.888 đối tượng. Đã ban hành 24.888 Quyết định xử phạt với số tiền trên 99 tỷ đồng; tổng số Quyết định đã thi hành xong là 22.053 Quyết định, số tiền thu được trên 62 tỷ đồng. Có 1.629 Quyết định chưa thi hành, với số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Hàng năm tỉnh đều thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ về tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh. Sau khi có kết luận kiểm tra, các đơn vị được kiểm tra đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung theo kết luận; chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra và báo cáo việc thực hiện kết quả kiểm tra đảm bảo theo quy định.

Cũng theo UBND tỉnh, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghi định số 19/2020/NĐ-CP, trên địa bàn tỉnh có 1 cán bộ cấp xã (Chủ tịch) bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách và 4 cán bộ, công chức bị kiểm điểm rút kinh nghiệm (không gắn hình thức kỷ luật) trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

Qua đánh giá, ý kiến của đoàn giám sát, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tập trung nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

Một số vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc, như: Việc xử phạt đối với vi phạm quy định về nhập ngũ rất khó, theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP thì người vi phạm quy định về nhập ngũ sẽ bị phạt hành chính từ 30-75 triệu đồng, tuy nhiên thực tế những đối tượng này thường không có tài sản nên việc thi hành quyết định rất khó khăn, gần như là không thi hành được. Việc phát hiện các hành vi VPHC trong một số lĩnh vực còn chậm, có những trường hợp khi phát hiện VPHC thì không xử phạt được do hết thời hiệu xử phạt hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình trốn tránh không hợp tác. Lĩnh vực môi trường, trật tự xây dựng có rất ít quyết định xử phạt VPHC, trong khi trên thực tế có rất nhiều vi phạm ở các lĩnh vực này.

Xung quanh lĩnh vực môi trường, ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, có các nhóm vấn đề đã và đang được quan tâm chỉ đạo, xử lý và có chuyển biến tích cực. Cụ thể, về đấu tranh hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường đối với công ty, doanh nghiệp, mặc dù vẫn còn xảy ra nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý thì hiện nay có thể nói đã làm dừng, làm giảm vi phạm. Về đảm bảo môi trường đô thị, hiện đang thí điểm lắp đặt camera để quản lý, mặc dù chưa có chế tài xử lý khi phát hiện vi phạm khi phát hiện thông qua hệ thống camera nhưng đã làm giảm các hành vi vi phạm khi người dân có ý thức hơn.

“Riêng về môi trường nông thôn, rất khó xử lý và chưa có cơ sở để xử lý. Đặc biệt, cấp xã không có đủ điều kiện, phương tiện để kiểm tra xác định vi phạm về môi trường, nhất là hành vi xả thải trong nuôi tôm công nghiệp”, ông Sử nêu.

Ông Sử cũng nhận định, vi phạm trong lĩnh vực dự án đầu tư có nhiều nhưng chưa xử lý hoặc chậm xử lý. Cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm ở lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tại buổi làm việc, đại diện nhiều sở, ngành cũng nêu lên trực trạng hiện nay là sự thiếu hợp tác của các cá nhân, doanh nghiệp khi ngành chức năng kiểm tra, giám sát.

Ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đánh giá cao nội dung giám sát của đoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cho rằng đây là một vấn đề mang tính thời sự, được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thời gian qua nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC ở tất cả các lĩnh vực.

Qua đánh giá, ý kiến của đoàn giám sát, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đổi mới, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

“Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về thi hành pháp luật xử lý VPHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình”, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, yêu cầu các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, có thêm ý kiến đề xuất, kiến nghị. Qua đó, đoàn tổng hợp và có báo cáo kết quả với Thường trực HĐND tỉnh cũng như UBND tỉnh, đồng thời báo cáo với Trung ương đối với các kiến nghị, đề xuất cần có những sửa đổi, bổ sung một số nội dung pháp luật trong xử lý VPHC còn bất cập, chưa rõ ràng để Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cho địa phương hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới./.

Đặng Duẩn

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nang-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-a29881.html