Nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

Đó là yêu cầu, nhiệm vụ trong Kế hoạch số 344/KH-UBND-VX ngày 23/8/2023 của UBND tỉnh Lào Cai về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Mục tiêu của kế hoạch là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá; giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, từ đó giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Theo đó, tỉnh Lào Cai đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên địa bàn tỉnh Lào Cai xuống dưới 20%; giảm tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc xuống dưới 25%, tại cơ sở y tế xuống dưới 15%, tại nhà hàng xuống dưới 60%, tại quán bar/cafe xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 30%; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Để thực hiện kế hoạch, cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; nâng cao nhận thức của mọi người dân về tác hại của thuốc lá, trên cơ sở đó nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình và huy động cả cộng đồng trong việc tham gia thực hiện xây dựng môi trường sống trong sạch không khói thuốc lá... Kiểm soát chặt chẽ việc thực thi các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; từng bước giảm nhu cầu sử dụng và giảm nguồn cung cấp thuốc lá.

Kế hoạch cũng nêu rõ các giải pháp để thực hiện chiến lược: Đó là tiếp tục xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động và chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác cụ thể hằng năm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát tại các cơ quan, đơn vị, trường học và cơ sở. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học, địa bàn dân cư xây dựng kế hoạch hành động với các giải pháp cụ thể nhằm xây dựng cơ quan, đơn vị, cộng đồng văn hóa và xây dựng môi trường lành mạnh không khói thuốc; thực thi nghiêm quy định cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, học tập và nơi công cộng.

Chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ thị trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc lá.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động và xây dựng các mô hình “Không khói thuốc lá”.

Tiếp tục quán triệt, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá...

Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hình thức sân khấu hóa.

Đẩy mạnh và đổi mới các biện pháp, nội dung công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá và phơi nhiễm khói thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân.

Tổ chức triển khai thí điểm các mô hình “Không khói thuốc lá”, trên cơ sở đó đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Tăng cường thực hiện lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng lối sống lành mạnh tại cộng đồng dân cư; xây dựng, nhân rộng các mô hình xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị điển hình trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp về phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá với sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội…

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các ngành chức năng và địa phương về phòng, chống tác hại của thuốc lá...

Triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Phổ biến, cung cấp thông tin rộng rãi các văn bản, tài liệu hướng dẫn về thực hiện môi trường “Không khói thuốc lá”.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh thuốc lá, tiêu chuẩn chất lượng thuốc lá, các hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật theo quy định…

Đưa việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-trach-nhiem-cua-cac-cap-nganh-doan-the-trong-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-post372592.html