Nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ, để 'phòng bệnh' từ sớm

Những năm qua, các cấp ủy Đảng ở An Giang luôn quan tâm lãnh đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc “... tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức Đảng thời gian dài chưa nghiêm, thậm chí vi phạm”, còn xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, phải xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.

Vì thế, bảo đảm nguyên tắc Đảng, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ, để phòng bệnh từ sớm, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một yêu cầu cấp thiết. Thực tiễn tại An Giang đã chứng minh điều đó.

Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Với vị trí địa đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, đầu nguồn của dòng Cửu Long, gần 100km tiếp giáp Vương quốc Campuchia, An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, An Giang luôn giữ vai trò trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Là vùng “địa linh - nhân kiệt”, với nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng, quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, những năm qua, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân An Giang đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nên tỉnh đã đạt nhiều thành quả quan trọng và khá toàn diện. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng không ngừng nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân tiếp tục được cải thiện…

Có được thành quả hôm nay là do Đảng bộ tỉnh An Giang đã quan tâm, tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội được đẩy mạnh. Trong đó có vai trò rất quan trọng của chi bộ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần định hướng kịp thời tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội.

Đến nay, Đảng bộ tỉnh An Giang có 16 Đảng bộ trực thuộc, trong đó có 11 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố; 4 đảng bộ khối, ngành và 1 đảng bộ được giao quyền cấp trên cơ sở (Trường Đại học An Giang), với 756 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 421 chi bộ cơ sở và 335 đảng bộ cơ sở, với tổng số 66.531 đảng viên, chiếm 3,5% dân số toàn tỉnh.

Nhận thức sâu sắc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng, toàn dân ta, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành nhiều văn bản phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo, như: Chỉ thị 20-CT/TU, ngày 7/5/2013 về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn 04-HD/BTCTU, ngày 3/9/2013 về “Nâng cao chất lượng sịnh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn 05-HD/BTCTU, ngày 3/9/2013 của “công tác phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư và nâng cao chất lượng hoạt động chi bộ khóm, ấp”; Kế hoạch 85-KH/TU, ngày 18/11/2022 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8); Hướng dẫn 07-HD/BTCTU, ngày 19/9/2023 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ... Trong đó có việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ. Qua đó, đã đạt một số kết quả tích cực.

Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương về nội dung hoạt đảng theo Hướng dẫn 12-HD/BTCTW hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có nhiều mô hình hay nhằm khắc phục những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ, như: Mô hình sinh hoạt chi bộ mẫu, tổ chức hội thi bí thư chi bộ giỏi, ứng dụng công nghệ trong sinh hoạt chuyên đề, kể chuyện Bác Hồ…, để các chi ủy, chi bộ trong địa phương, đơn vị cùng tham gia, học hỏi, trao đổi nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Để giúp Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả việc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ bảo đảm khách quan, chính xác theo chỉ đạo của Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang ban hành Hướng dẫn 07-HD/BTCTU, ngày 19/9/2023 đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, viêc này thể hiện sự quyết tâm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh.

Theo đó, phân công các đồng chí cấp ủy viên; cán bộ thuộc các ban xây dựng đảng, tổ chức chính trị xã hội cùng cấp phụ trách, theo dõi và dự sinh hoạt chi bộ. Hàng năm, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát về công tác xây dựng Đảng tại các tổ chức Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp lồng ghép thêm nội dung đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ vào kế hoạch kiểm tra, giám sát để triển khai thực hiện.

Qua đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của địa phương, đơn vị mình. Việc sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy ở từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng ngày càng thống nhất, nền nếp, chất lượng. Thông qua sinh hoạt chi bộ từng đảng viên đã nâng cao được ý thức trách nhiệm, tích cực học tập tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên và các nhiệm vụ được phân công; ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần đoàn kết, thống nhất nội bộ được phát huy.

Với cách làm trên, cơ bản khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị, địa phương, là tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp vững mạnh.

Bên cạnh đó, việc kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên và tập thể cá nhân lãnh đạo quản lý hàng năm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận 21-KL/TW được thực hiện nghiêm túc. Chỉ tính trong năm 2022, toàn tỉnh có 145/783 tổ chức cơ sở Đảng đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 18,69% trong tổng số tổ chức cơ sở Đảng và 19,78% trong tổng số tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, sáng tạo, sinh hoạt chi bộ của các tổ chức cơ sở Đảng, thuộc Đảng bộ tỉnh An Giang ngày càng nền nếp, chất lượng sinh hoạt được nâng lên, đã giúp hạn chế không để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá trên địa bàn tỉnh An Giang.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như: Việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, việc thực hiện quy chế làm việc ở một số tổ chức Đảng thời gian dài chưa nghiêm, thậm chí vi phạm. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được chú trọng, nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị thời gian gần đây có chuyển biến, song hiệu quả chưa cao; chưa chủ động phòng ngừa, xử lý vi phạm ngay tại cơ quan, đơn vị.

Còn xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, phải xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ chủ chốt của tỉnh như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan đó là một số cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa hiệu quả. Việc thực hiện tính chiến đấu trong “tự phê bình” và “phê bình” trên tinh thần “tự soi, tự sửa” chưa thường xuyên và thực chất; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xây dựng nội bộ vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên ở các chi, đảng bộ chưa có đủ thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm còn hạn chế nên chưa tích cực tham gia viết bài, đăng tải, nhất là tham gia chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xấu độc của các thế lực thù địch.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm

Xuất phát từ thực trạng nêu trên ở An Giang, từ yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo định hướng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Hướng dẫn 12-HD/BTCTW, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận 21-KL/TW về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị…”; Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Thông báo Kết luận 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; Quy định về những điều đảng viên không được làm; các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; Kết luận 18-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW và Hướng dẫn 12-HD/BTCTW gắn với thực hiện phong trào “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt” giai đoạn 2023 – 2025. Tăng cường đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Nhất là phải thực sự coi trọng và “bảo đảm tính chiến đấu” trên tinh thần xây dựng, tình đồng chí, đoàn kết thống nhất trong sinh hoạt chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề. Xem đây là phương cách phòng bệnh từ sớm, từ xa, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cương quyết chống bệnh thành tích, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo chủ chốt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải “đúng vai, thuộc bài”, nắm vững và gương mẫu thực hiện nghiêm các Quy định của Đảng, như: Quy định 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, để cán bộ, đảng viên nắm, nếu có biểu hiện vi phạm thì dừng lại, tự răn, tự rèn, tự sửa. Bởi thực tiễn cho thấy, không ít cán bộ chủ chốt ở địa phương, đơn vị bị xử lý kỷ luật, hình sự họ thường ngụy biện là “không biết, không nắm luật” cùng với “đảng viên” là cấp dưới “nể nang”, “không dám” thể hiện tính chiến đấu trong “phê bình” đảng viên là cấp trên của mình.

Đồng thời, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, phản bác các quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước. Coi trọng, đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nhất là tự kiểm tra, giám sát ở chi bộ, để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, hỗ trợ, uốn nắn, chấn chỉnh và xử lí nghiêm minh những trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng tổ chức Đảng luôn trong sạch, vững mạnh.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên theo Hướng dẫn 07-HD/BTCTU, theo đó cần chú ý: Việc đánh giá áp dụng cho cả sinh hoạt thường kỳ (mỗi tháng 1 lần) và sinh hoạt chuyên đề (mỗi quý 1 lần) đối với các loại hình chi bộ trong toàn Đảng bộ. Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, cấp ủy và đảng viên hàng năm.

Để thực hiện nghiêm túc, chính xác, khách quan, cơ quan chức năng tham mưu giúp cấp ủy phân công các đồng chí cấp ủy viên; cán bộ thuộc các ban xây dựng Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp phụ trách, theo dõi và dự sinh hoạt chi bộ để cùng đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Hàng năm, khi xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát về xây dựng Đảng tại các tổ chức Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần lồng ghép thêm nội dung đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ vào kế hoạch kiểm tra, giám sát để triển khai thực hiện.

Thứ năm, chi bộ, chi ủy chủ động, tích cực nắm tình hình, kịp thời phát hiện các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống phá công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng sắp tới và các sự kiện trọng đại của đất nước, của địa phương để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên chi bộ tận dụng tiện ích của trang mạng xã hội cá nhân chia sẻ thông tin, lan tỏa cái hay, cái tích cực, tiến bộ, người tốt, việc tốt, các giá trị “chân - thiện - mỹ”; không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, không phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo tinh thần Quy định 85-QĐ/TW, ngày 7/10/2022 của Ban Bí thư về “Cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội” và các văn bản có liên quan.

Tổ chức triển khai quán triệt những nội dung cốt lõi, giá trị và ý nghĩa cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” và các bài viết có liên quan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để sinh hoạt tư tưởng cho đảng viên trong chi bộ theo hình thức phù hợp, nâng cao ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sức đề kháng, vắc xin “miễn dịch” cho đảng viên trong chi bộ trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt, kiên định thực nghiêm nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là coi trọng, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ ở An Giang trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ rất cần thiết bảo đảm cho sự lãnh đạo trực tiếp tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, góp phần xây dựng chi bộ, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng ở từng loại hình chi bộ, làm cơ sở, nền tảng xây dựng Đảng ta xứng đáng với trọng trách là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo toàn dân tộc, Nhân dân ta “quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới và lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt trung bình cả nước.

ThS. Trần Ngọc Trường Giang (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-tinh-chien-dau-trong-sinh-hoat-chi-bo-de-phong-benh-tu-som-a395677.html