Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường

Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, áp dụng tiêu chuẩn, công cụ quản lý tiên tiến, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Là một trong những đơn vị tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thiên Vạn Tường được chuyển giao quy trình phân lập, nhân giống, nuôi trồng nấm bào ngư và quy trình bảo quản, chế biến nấm. Hiện đơn vị đã xây dựng mô hình nuôi trồng nấm bào ngư phân tán trong dân ở huyện Kế Sách, Châu Thành với quy mô 2,5 tấn nấm/mô hình/năm và mô hình trồng nấm bào ngư tập trung với quy mô 90 tấn nấm/năm.

Nhằm nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm mãng cầu gai theo chuỗi giá trị, tỉnh đã đầu tư xây dựng quy trình chế biến 5 sản phẩm từ mãng cầu gai và chuyển giao cho Công Ty Trách nhiệm hữu hạn Cẩm Thiều (thị xã Ngã Năm) để sản xuất các sản phẩm như: trà quả mãng cầu lên men, trà quả mãng cầu túi lọc, nước quả mãng cầu lên men, trà lá mãng cầu lên men, bột sinh tố mãng cầu. Hiện các sản phẩm này được thị trường ưa chuộng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cẩm Thiều đang là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ở Sóc Trăng về lĩnh vực sản xuất các sản phẩm làm từ trái mãng cầu gai.

Các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong các chương trình hội thảo khoa học tại Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Xác định việc áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tiến hành xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn tím Phong Nẫm” cho sản phẩm nhãn tím của huyện Kế Sách; xác lập quyền sở hữu trí tuệ gắn với địa danh cho các sản phẩm như: vú sữa tím Trinh Phú, trái cây Cù Lao Dung, trái cây Vĩnh Châu, xoài An Thạnh 1. Hiện vú sữa tím vùng Kế Sách là nông sản của tỉnh có thị trường xuất khẩu ổn định. Liên tục 4 năm qua, vú sữa Kế Sách được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Singapore với số lượng ngày càng tăng. Giữa niên vụ 2022 - 2023, Kế Sách đã xuất khẩu trên 92 tấn vú sữa, cung ứng cho siêu thị trên 50 tấn. Trong chuỗi liên kết tiêu thụ, vú sữa tím Kế Sách đã có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao cấp tỉnh.

Hướng tới một mô hình nuôi artemia đạt năng suất ổn định, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân địa phương, từ kết quả của việc triển khai mô hình nuôi artemia thâm canh tại thị xã Vĩnh Châu và đầu tư xây dựng xưởng chế biến trứng bào xác artemia, vừa qua, Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu đã tiếp tục đầu tư thêm 2 thiết bị sấy trứng bào xác artemia. Bình quân mỗi vụ nuôi, hợp tác xã đã sấy khoảng 6,6 tấn trứng bào xác artemia tươi. Thị trường tiêu thụ trứng bào xác artemia Vĩnh Châu đã được mở rộng, tiêu thụ ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Khảo sát mô hình trồng dưa lưới ứng dụng khoa học công nghệ ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Từ năm 2021, Sóc Trăng đã triển khai xây dựng và triển khai Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với tên miền https://txng.soctrang.gov.vn. Qua đó, hỗ trợ 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng tem truy xuất nguồn gốc vận hành, cập nhật cơ bản những dữ liệu thông tin 116 sản phẩm của 27 doanh nghiệp lên hệ thống, các sản phẩm bao gồm: gạo, bánh pía, nấm, lạp xưởng... Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cũng đã hỗ trợ 24 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có 5 trường hợp kết hợp với chỉ dẫn địa lý.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng, sau 3 năm triển khai Kế hoạch số 125/KH-UBND, ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay tỉnh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp theo chương trình này. Có hơn 30 doanh nghiệp thực hiện tự công bố sản phẩm. 8 doanh nghiệp thực hiện tư vấn xây dựng, áp dụng và chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), xây dựng, áp dụng và chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, xây dựng, áp dụng và chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn HACCP. Hỗ trợ 3 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia và 1 doanh nghiệp thực hiện tư vấn xây dựng, áp dụng, đánh giá chứng nhận Hệ thống quản lý Phòng Thí nghiệm ISO/IEC 17025...

Có thể nói, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong vai trò điều hành chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiếp cận mô hình, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sở sẽ thống kê, tổng hợp nhu cầu đào tạo, hỗ trợ của doanh nghiệp, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương. Đồng thời, tổ chức tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-khoa-hoc-cong-nghe/nang-cao-nang-suat-chat-luong-san-pham-tang-kha-nang-canh-tranh-tren-thi-truong-67212.html