Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm của nhà giáo góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Thực hiện Kế hoạch 103/KH-CĐN ngày 2/4/2019 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm của nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện.

Bà Hà Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh cho biết: Để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm cho đội ngũ nhà giáo, Công đoàn ngành đã phối hợp với sở hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đơn vị thực hiện việc rà soát, bổ sung quy tắc ứng xử trong trường học đảm bảo sát tình hình thực tế. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên cơ sở quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ GD&ĐT ban hành. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, hằng năm, có 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ Công đoàn ngành giáo dục, đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

Lãnh đạo Công đoàn ngành giáo dục tỉnh và Sở GD&ĐT trao thưởng cho giáo viên, học sinh tiêu biểu cuộc thi thầy cô trong mắt em

Ngoài ra, để triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm trong các cơ sở giáo dục được hiệu quả, Công đoàn ngành còn chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở tổ chức tốt cuộc thi thầy cô trong mắt em. Cùng đó, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, tọa đàm để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm ở các nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến các hành vi vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của cán bộ, nhà giáo, người lao động trong lao động nghề nghiệp.

Trong hơn 3 năm qua, nhiều công đoàn cơ sở đã tích cực triển khai, có thể kể đến như Công đoàn cơ sở Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) đã mời chuyên gia Trường Đại học sư phạm Hà Nội bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về việc xây dựng trường học hạnh phúc, nói chuyện, trao đổi với học sinh toàn trường về trường học hạnh phúc; Trường THPT Việt Bắc tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thầy cô thay đổi, Trường học hạnh phúc”; các trường phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT tổ chức tuyên truyền kỹ năng giao tiếp ứng xử trong nhà trường; Trường Cao đẳng Sư phạm xây dựng các chuyên đề văn hóa ứng xử đưa vào chương trình đào tạo giáo viên, học sinh, sinh viên lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động tập huấn, ngoại khóa…

Thầy giáo Hoàng Chỉ Đạo, đoàn viên công đoàn Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Trong quá trình công tác, chúng tôi luôn được Ban giám hiệu, Công đoàn trường phổ biến, quán triệt về những nội dung đạo đức nhà giáo, văn hóa ứng xử của nhà giáo… để tự soi mình, tự thay đổi để hoàn thiện chính bản thân từ tư tưởng, đạo đức, trách nhiệm và cả cách tổ chức các phương pháp giáo dục. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện.

Cùng với đó, Công đoàn ngành còn chú trọng hoạt động tôn vinh và biểu dương, khen thưởng những cá nhân điển hình về xây dựng môi trường sư phạm; những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập và sáng tạo để qua đó lan tỏa việc làm tốt trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động toàn ngành, tiêu biểu như: Cô giáo Nông Thị Thanh Tầm, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Bắc Ái I, huyện Tràng Định; cô giáo Ngô Thanh Thủy, Tổ trưởng Tổ Mầm non, Trường Mầm non Bắc Xa, huyện Đình Lập; thầy giáo Hoàng Văn Kiếm, Điểm trường Khuổi Chẳng, Trường Tiểu học bán trú Yên Lỗ, huyện Bình Gia “cắm bản” trường vùng 3 trên 30 năm… Các thầy cô không chỉ cố gắng tiết kiệm dành ra một khoản tiền hằng tháng hỗ trợ việc mua đồ dùng học tập và thực phẩm cho học sinh mà còn thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục xây dựng trường, lớp và bổ sung đồ dùng học tập cho học sinh… âm thầm hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp dạy học, góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.

Việc nâng cao năng lực ứng xử cho nhà giáo góp phần xây dựng môi trường học đường văn hóa, phòng, chống hành vi lệch chuẩn và phòng, chống bạo lực học đường. Trong thời gian tới, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học; tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng xử cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo gương mẫu, tự trọng, có lối sống văn hóa.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/585431-nang-cao-nang-luc-ung-xu-su-pham-cua-nha-giao-gop-phan-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi.html