Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng

ND - Nghiên cứu các văn kiện của BCH T.Ư Đảng (khóa X) trình Đại hội lần thứ XI của Đảng, tôi nhận thấy trước mắt là cái đích đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại sẽ có nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn giai đoạn trước đây.

Vai trò và sứ mệnh lịch sử của Đảng không chỉ đề ra đường lối, mục tiêu đúng đắn mà phải hiện thực hóa nó, điều đó trực tiếp đặt lên vai các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên đang hằng ngày, hằng giờ đóng góp vào sự phát triển của đất nước ngay tại nơi làm việc, nơi sinh sống. Tuy nhiên, có những vấn đề bất cập tồn tại lâu nay đã được Đảng ta không ít lần đề cập. Ngay trong các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng cũng nhấn mạnh, nhưng khắc phục chưa có kết quả rõ nét. Đó là Đảng và Nhà nước ta đầu tư nhiều công sức để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở khá đồng bộ, có chế độ chức trách cụ thể từ phường, xã đến thôn, xóm, tổ dân phố, doanh nghiệp, cơ quan... Đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức ngày một tăng về số lượng và trình độ, điều kiện làm việc cũng tốt hơn nhiều so trước đây. Song có nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, vi phạm chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên không được phát hiện và ngăn ngừa ngay tại địa phương, đơn vị. Tôi là người đã có nhiều năm làm công tác xây dựng Đảng ở doanh nghiệp và cơ quan, nay về hưu sinh hoạt tại địa phương, tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân rất quan trọng là công tác xây dựng Đảng ở cấp chi bộ, cơ sở và đảng viên còn nhiều yếu kém. Tôi xin đề xuất một số ý kiến: Một là, nội dung và phương pháp hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và chi bộ chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của cuộc sống. Sau hơn hai mươi nhăm năm thực hiện công cuộc đổi mới, công tác đảng ở cơ sở còn nhiều thụ động, chung chung. Phần lớn nội dung sinh hoạt là thông báo lại nội dung cấp trên hoặc công tác của chính quyền, không cụ thể hóa nhiệm vụ của cấp mình, lại càng ít kiểm điểm vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những gì diễn ra tại địa phương, đơn vị. Thực trạng này kéo dài làm giảm tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình ở cơ sở. Hai là, công tác thi đua, khen thưởng, phân loại đảng viên và tổ chức đảng tuy đã có tác dụng thúc đẩy đảng viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và xây dựng tổ chức đảng nơi mình sinh hoạt. Song cũng bộc lộ một số vấn đề cần phải nghiên cứu, sửa đổi để thực chất hơn. Thí dụ, có nên quy định tổ chức đảng phải có tỷ lệ đảng viên đạt loại tốt cao, không có vụ việc lình xình nổi cộm thì mới công nhận đạt trong sạch, vững mạnh. Những quy định này vô hình trung làm cho các chi bộ coi nhẹ việc phê bình, tự phê bình khi xếp loại, thậm chí che giấu vụ việc (ngoại trừ vụ việc quá lớn bị phanh phui). Do vậy mới có tình trạng có đơn vị lâu nay vẫn được đánh giá tốt, thậm chí còn tuyên dương, khen thưởng, bỗng dưng bùng phát khuyết điểm và trở nên rất nghiêm trọng. Phân loại đảng viên phải có sự sàng lọc, không để trong Đảng có đảng viên "trung bình" kéo dài. Ba là, trong tình hình hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát cần coi trọng kênh điều tra, thăm dò dư luận, tâm tư của đảng viên và quần chúng ở địa phương, đơn vị để xem xét kết quả từng công việc đến đâu. Thí dụ nhiều nơi lập ra bộ phận "một cửa" để giải quyết công việc cho người dân, có lịch trình cụ thể nhưng thực tế rất ít việc dân được phục vụ như mục đích đề ra. Tệ tham nhũng, tiêu cực dù xảy ra ở đâu thì nhân dân vẫn nhìn vào công tác lãnh đạo của Đảng chứ không thể phân biệt: "chủ trương thì đúng nhưng thực hiện thì sai". Lê Văn Lư (Xóm 1, Mỹ Trạng, xã Mỹ Xá, TP Nam Định)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=185016&sub=130&top=37