Nâng cao kỹ năng ứng cứu ngư dân

Quân cảng Hải đoàn 11, Vùng Cảnh sát biển (CSB) 1 trong những ngày đầu tháng 3, dù thời tiết còn lạnh và có mưa nhỏ nhưng không khí huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ trên các tàu vẫn hết sức nghiêm túc.

Trên boong tàu CSB 4036 (Hải đội 112), cán bộ, chiến sĩ đang huấn luyện nội dung nâng hạ xuồng và xử lý tình huống cứu hộ, cứu nạn. Từ khẩu lệnh của người chỉ huy đến hành động của cán bộ, chiến sĩ đều mạch lạc, dứt khoát. Từng thao tác cẩu xuồng, hạ xuồng xuống mặt nước, chạy xuồng ra vị trí quy định đều được cán bộ, chiến sĩ thực hiện thuần thục, nhuần nhuyễn. Trò chuyện với chúng tôi trong giờ giải lao, Thượng úy Nguyễn Xuân Luyện, Thuyền trưởng tàu CSB 4036 cho biết: “Bảng bố trí nâng hạ xuồng và cứu người rơi xuống nước rất sát thực tế khi chúng tôi hoạt động trên biển. Huấn luyện thuần thục những nội dung này giúp cán bộ, chiến sĩ của tàu kịp thời xử lý các tình huống khi tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần hỗ trợ bà con ngư dân trong quá trình vươn khơi, bám biển!”.

Còn nhớ, cách đây không lâu, khi thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển Bạch Long Vĩ, tàu CSB 4036 đã phát hiện một chiếc phao cứu sinh đang trôi dạt. Đây là chiếc phao của tàu hàng Bạch Đằng 06 bị nạn và chìm trong điều kiện sóng gió cấp 5, cấp 6. Tàu CSB 4036 đã nhanh chóng tiếp cận được phao cứu sinh và cứu hộ, cứu nạn thành công 4 người trong điều kiện thời tiết xấu. Thời điểm đó, thuyền viên Chu Đức Huy, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cảm động chia sẻ: “Nếu không có sự cứu giúp kịp thời của cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 4036 thì chắc chúng tôi không được trở về với gia đình rồi. Cảm ơn các anh CSB nhiều lắm”.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 11, Vùng CSB 1 thực hành huấn luyện cứu người bị nạn trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 11, Vùng CSB 1 thực hành huấn luyện cứu người bị nạn trên biển.

Theo Thượng tá Hoàng Quang Linh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 11, với đặc thù các tàu, xuồng của Hải đoàn thường xuyên đi làm nhiệm vụ trên biển, do vậy, công tác huấn luyện được tổ chức thường xuyên kể cả khi tàu nằm tại cảng hay đi làm nhiệm vụ. Trong quá trình huấn luyện, đơn vị duy trì linh hoạt, bảo đảm phù hợp, hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế. Hải đoàn phối hợp chặt chẽ quá trình đi biển của các tàu để huấn luyện thực hành các bảng bố trí chiến đấu, kết hợp huấn luyện thực hành cho cán bộ, chiến sĩ. Tại bến, ngoài các nội dung trên, đơn vị còn chú trọng huấn luyện xử lý các tình huống chống cháy, chống chìm, các vụ tai nạn giả định, cứu hộ, cứu nạn

Hải đoàn 11 luôn đặt ra yêu cầu nội dung huấn luyện phải sát với phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực hiện tốt việc lồng ghép các nội dung tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và chương trình huấn luyện cho các đối tượng. Tổ chức huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp, từ kiến thức cơ bản đến hành động chuyên sâu cả ở trên đất liền và trên biển. Tập trung huấn luyện ở các tàu và các lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Qua huấn luyện, từng cán bộ, chiến sĩ ở mỗi tàu sẽ được trang bị những kiến thức, rèn các kỹ năng trong cấp cứu người bị nạn trên biển trong thời tiết xấu. Qua thực tế bám biển cũng như các lần cứu nạn ngư dân, đơn vị đã kịp thời bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên từng vùng biển, đảo. Chúng tôi phấn đấu, rèn luyện theo phương châm “mỗi con tàu của đơn vị đều là những điểm tựa vững chắc đồng hành với bà con ngư dân trong mỗi chuyến vươn khơi, bám biển”, Thượng tá Hoàng Quang Linh chia sẻ.

Bài và ảnh: MẠNH THƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/canh-sat-bien-dong-hanh-voi-ngu-dan/nang-cao-ky-nang-ung-cuu-ngu-dan-722383