Nâng cao kỹ năng chính trị và trình độ cho cán bộ lãnh đạo

Bài 1
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ “VỪA HỒNG, VỪA CHUYÊN”

NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước

BPO - Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sự thành công hay thất bại của cách mạng, yếu tố hàng đầu là cán bộ. Theo Bác, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là phẩm chất đạo đức: “Đạo đức là gốc”, “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”; “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Như vậy, người có đức mà không có tài thì không làm hại ai nhưng cũng không có ích lợi gì cho nhân dân và xã hội, ngược lại có tài mà không có đức thì sẽ trở thành người phá hoại. Đức và tài là hai mặt thống nhất không tách rời, giống như phần thể xác và linh hồn của mỗi người - thiếu một trong hai đều không thể giúp cho người cán bộ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vì vậy, người cán bộ phải thường xuyên rèn đức, luyện tài để trở thành cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, đủ năng lực đảm đương công việc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ là trung tâm đoàn kết, hội tụ trí tuệ

Thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn coi cán bộ và công tác cán bộ là nhân tố quyết định sự thành, bại gắn liền với vận mệnh của Đảng bộ tỉnh, của đất nước và sự phát triển hưng thịnh trên các lĩnh vực của tỉnh, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 một lần nữa khẳng định: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trước bất kỳ tình huống nào” và yêu cầu đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị và mọi quá trình đổi mới đều hướng vào mục tiêu vì nhân dân và toàn xã hội; coi trọng yếu tố cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải xem là trung tâm, xuyên suốt trong mọi sự đổi mới trên các lĩnh vực. Đây là yếu tố có vai trò quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của các tổ chức đảng với sự đổi mới phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy luôn xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng và các tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị. Vì vậy, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả vì đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Tỉnh ủy xác định mục tiêu tổng quát, đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa tỉnh Bình Phước trở thành địa phương phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Nhận thức rõ điều đó, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Tỉnh ủy luôn chú trọng, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo của tỉnh nói riêng vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Nhận thức đó tiếp tục được Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI khẳng định: “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu gương mẫu, thật sự trở thành trung tâm đoàn kết, hội tụ trí tuệ, phát huy sức mạnh của tập thể và quần chúng nhân dân, chú trọng công tác chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp”.

Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ

Công tác cán bộ của tỉnh đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Trên cơ sở quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng cán bộ, những năm qua, tỉnh đã cử nhiều lượt cán bộ đi học tại cơ sở đào tạo, nhất là cử cán bộ đi học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng với việc nâng cao trình độ chính trị, việc học tập để nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh cũng được quan tâm bằng các chế độ, chính sách khuyến khích phù hợp. Đồng thời, thực hiện việc luân chuyển một cách nghiêm túc, bài bản giúp cán bộ có cơ hội rèn luyện bản thân bằng thực tiễn, đó chính là cách đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả nhất.

Để thực hiện thống nhất và đạt hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch cán bộ và tiêu chuẩn chức danh theo quy định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Kết quả, năm 2022, Bình Phước đã cử 209 cán bộ lãnh đạo các cấp tham gia các lớp cao cấp lý luận chính trị. Trong đó, 78 cán bộ tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung học tại Học viện Chính trị khu vực II; 95 cán bộ tham gia lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung; hệ hoàn chỉnh để cấp bằng cao cấp lý luận chính trị 36 trường hợp; mở 7 lớp đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho 391 học viên...

Từ đầu năm đến nay, Bình Phước đã cử 3.436 lượt cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng theo Kế hoạch số 70-KH/TU ngày 29-3-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó bồi dưỡng cập nhật kiến thức và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức, kiểm tra, văn phòng, tuyên giáo được 54 cán bộ; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh thuộc đối tượng 1 và đối tượng 2: 37 cán bộ. Bồi dưỡng theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, năm 2022, tổ chức 3 lớp đối tượng 3 với 240 học viên và 11 lớp đối tượng 4 với 1.100 học viên...

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của tỉnh trong những năm qua bảo đảm về số lượng và chất lượng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu cán bộ quản lý giỏi, chuyên gia đầu ngành; năng lực công tác, trình độ và kỹ năng lãnh đạo không đáp ứng yêu cầu đặt ra, thiếu tính chuyên nghiệp. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của tỉnh tuy đông nhưng không đồng bộ, vẫn còn tình trạng “vừa thừa vừa thiếu”, chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tăng cường giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Cấp ủy các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định; chọn cử cán bộ đi học thực hiện theo đúng quy định, quy trình và theo phân cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Căn cứ nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh, các địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung rà soát nguồn quy hoạch cán bộ, tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tạo điều kiện để cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đúng, đủ thành phần, đối tượng theo thông báo triệu tập của các cơ sở đào tạo, cơ quan, đơn vị theo kế hoạch. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, cơ quan, đơn vị trong việc quản lý cán bộ khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; lấy kết quả học tập để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

Khắc phục việc bố trí cán bộ làm công tác quản lý nặng về cơ cấu và tình trạng làm công tác quy hoạch chưa thực sự đồng bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương; việc bố trí, sắp xếp cán bộ chưa theo quy hoạch và tình trạng một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác giới thiệu nguồn quy hoạch cán bộ tại chỗ để đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ kế cận tạo nguồn cán bộ lâu dài của cơ quan, đơn vị. Thực hiện quyết liệt và nghiêm túc công tác điều động, luân chuyển cán bộ theo đúng quy trình trong công tác cán bộ, tránh trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở; nhưng vẫn được đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…

Đảng bộ các cấp, các tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đánh giá cán bộ hằng năm ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, tránh trường hợp đánh giá chưa sát, chưa đúng với tình hình thực tế; mang tính chủ quan, hình thức, nể nang chưa đúng với năng lực của cán bộ. Đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, triệt để khắc phục tình trạng quy hoạch cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn khép kín và việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng chưa là công chức, chưa theo quy hoạch cán bộ dẫn đến việc khó bố trí sử dụng sau đào tạo.

Tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là yếu tố có ý nghĩa then chốt, quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của địa phương. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên. Quản lý chặt chẽ đảng viên, hạn chế thấp nhất tỷ lệ đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, vi phạm kỷ luật, xin ra khỏi Đảng. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/144997/nang-cao-ky-nang-chinh-tri-va-trinh-do-cho-can-bo-lanh-dao