Nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 với các quy định được thể chế hóa nhằm thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Nhưng qua hơn 9 tháng triển khai thực hiện, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh Sóc Trăng cũng gặp không ít khó khăn bên cạnh một số kết quả đạt được.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, hai cấp trong hệ thống đã quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và các văn bản có liên quan dưới nhiều hình thức. Cụ thể, khẩn trương ban hành kế hoạch tuyên truyền, tổ chức hội nghị triển khai trực tiếp; tuyên truyền thông qua tập huấn cho cán bộ, công chức tòa án hai cấp, nhất là trên các kênh thông tin đại chúng để nói rõ về ý nghĩa, nội dung của bộ luật trên. TAND tỉnh còn khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án để phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương giới thiệu cán bộ, công chức, tri thức đã nghỉ hưu và xem xét, tuyển chọn làm hòa giải viên. Đồng thời, TAND tỉnh cũng đã thành lập Hội đồng tư vấn, tuyển chọn hòa giải viên, tổ chức họp hội đồng và đã quyết định bổ nhiệm hòa giải viên theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC).

TAND tỉnh Sóc Trăng chú trọng triển khai, tập huấn về nghiệp vụ xét xử, nhất là triển khai về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: C.H

TAND tỉnh Sóc Trăng chú trọng triển khai, tập huấn về nghiệp vụ xét xử, nhất là triển khai về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: C.H

Hiện nay, số lượng hòa giải viên toàn tỉnh là 15 người và đây là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác hòa giải, cuộc sống, có năng lực, trình độ đảm bảo đúng tiêu chuẩn. TAND tỉnh đã cử các hòa giải viên tham gia đầy đủ, nghiêm túc khóa bồi dưỡng nghiệp vụ do TAND Tối cao tổ chức (bằng hình thức trực tuyến). Không những vậy, TAND hai cấp trong tỉnh còn tận dụng cơ sở vật chất hiện có để sắp xếp, bố trí phòng làm việc và các trang, thiết bị cần thiết nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án. Từ ngày 1-10-2020 đến nay, TAND hai cấp đã nhận tổng cộng 5.054 hồ sơ khởi kiện dân sự, hành chính và chỉ có 48 hồ sơ đương sự có yêu cầu hòa giải, đối thoại. Khi đưa ra hòa giải, đối thoại thì kết quả thành đạt trên 78%.

Thực tế, dù TAND tỉnh khá chú trọng triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, nhưng quá trình thực hiện gặp khá nhiều vướng mắc. Hòa giải viên vẫn còn lúng túng khi thực hiện đối thoại, hòa giải, do chưa được thực hiện tập huấn thường xuyên. Người có đủ điều kiện đăng ký tham gia làm hòa giải viên còn quá ít, thậm chí có những đơn vị tòa án đến nay chưa có hòa giải viên. Với lại, số vụ việc đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại tại tòa án chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số hồ sơ khởi kiện đương sự nộp tại tòa án (chiếm tỷ lệ khoảng 1%). Đại đa số đương sự chọn con đường thụ lý theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; bởi họ chưa hiểu hết và tin vào hòa giải, đối thoại tại tòa án. Thêm vào đó, cơ sở vật chất của các đơn vị thiếu thốn, trang thiết bị làm việc lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu...

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm, để triển khai, thực hiện tốt hơn nữa Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, TAND hai cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các kênh thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hòa giải, đối thoại và đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội. Đặc biệt, trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, TAND hai cấp chú trọng tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án cho người khởi kiện, người yêu cầu. Đây là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất, khi các bên hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại thì họ sẽ lựa chọn; điều này sẽ góp phần lớn vào sự thành công của quá trình hòa giải, đối thoại.

Các đơn vị tiếp tục lựa chọn, đề xuất người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm hòa giải viên, nhất là quan tâm đến người có uy tín trong cộng đồng dân cư đáp ứng các tiêu chuẩn để tập huấn, bồi dưỡng, bổ nhiệm làm hòa giải viên. TAND hai cấp thường xuyên mở hội nghị trao đổi, tọa đàm nghiệp vụ để tạo điều kiện cho thẩm phán, thư ký, hòa giải viên nắm chắc các quy định pháp luật; đặc biệt là kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. TAND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra đối với cấp huyện trong việc triển khai, thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại cũng như đảm bảo tiến độ công tác triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, thẩm phán, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại.

Hòa giải, đối thoại tại tòa án là hoạt động hòa giải, đối thoại do hòa giải viên tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự, hành chính nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc. Hoạt động này sẽ giảm thủ tục, thời gian, chi phí của các bên và góp phần đắc lực giúp cho hệ thống tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính vì thế, các đơn vị tòa án cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

C.H

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-52793.html