Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2018-2022, Bình Phước cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 211 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký hơn 1 tỷ 413 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn cho 117 dự án với số vốn đăng ký tăng thêm 665,97 triệu USD. Điều chỉnh giảm vốn cho 15 dự án với số vốn đăng ký giảm 96,72 triệu USD. Các doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả, đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Linh hoạt đồng hành với doanh nghiệp

Giai đoạn 2018-2022, Bình Phước thu hút hơn 2 tỷ 79 triệu USD vốn FDI. Lũy kế tổng số dự án đầu tư thu hút (còn hiệu lực đến nay) là 367 dự án với tổng vốn đầu tư 3 tỷ 460 triệu USD. Trong đó: Trong khu kinh tế, khu công nghiệp có 285 dự án, số vốn đầu tư khoảng 2 tỷ 925 triệu USD; ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp có 82 dự án với số vốn đầu tư khoảng 535 triệu USD.

Đa số các dự án FDI lớn tập trung vào các khu công nghiệp đã được quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thỏa thuận về giá thuê đất với những chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp theo đúng quy định, sau đó tiến hành các bước tiếp theo để triển khai dự án.

Công nhân Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (thị xã Chơn Thành) trong giờ làm việc - Ảnh: Xuân Túc

Công nhân Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc (thị xã Chơn Thành) trong giờ làm việc - Ảnh: Xuân Túc

Đối với các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, hầu hết các dự án được thực hiện trên cơ sở thuê lại tài sản trên đất của cá nhân và tổ chức để triển khai dự án như thuê lại nhà xưởng, nhà kho, trang trại chăn nuôi để tiến hành sản xuất, kinh doanh và trực tiếp chăn nuôi. Một số ít nhà đầu tư thỏa thuận bồi thường về đất và tài sản trên đất của người dân sau đó thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thuê đất nhà nước triển khai dự án.

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao còn thấp, chưa đáp ứng xu thế hội nhập. Tỷ lệ nội địa hóa không cao, các sản phẩm chủ yếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, một số ít dự án sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ ở địa phương và trong nước như các sản phẩm từ gỗ, hạt điều, gia súc, gia cầm. Tỷ trọng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ nhỏ, hầu hết là lao động phổ thông, người lao động ít được tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, các khóa huấn luyện về an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy...

Giai đoạn 2018-2022 là khoảng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, đặc biệt cao điểm những năm 2020-2021, đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đời sống xã hội cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề về may mặc, giày da, sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ, sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ Bình Phước đã có các biện pháp thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế vừa khống chế dịch. Tỉnh cũng đã triển khai kịp thời, nhanh chóng các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, của địa phương, thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tăng cường đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục pháp lý trực tuyến, giảm thời gian đi lại, từ đó làm vững lòng các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào Bình Phước.

Trong bối cảnh đại dịch, tỉnh đã linh hoạt trong tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến và trực tiếp với các nước, lãnh thổ như: Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ý, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore. Qua đó, đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại Bình Phước.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư

Thu hút đầu tư của tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, các dự án FDI đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, do vị trí địa lý của tỉnh Bình Phước cách xa cảng biển, cảng hàng không, xa trung tâm TP. Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông kết nối chưa hoàn thiện, do vậy, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đa số các dự án sử dụng lao động phổ thông, trong khi lực lượng này không ổn định dẫn đến tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực giày da, chăn nuôi... làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian tới, Bình Phước xác định tiếp tục thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư để giới thiệu hình ảnh và môi trường đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), triển khai thực hiện bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI) tạo sự hài lòng cho nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục đầu tư. Thực hiện tốt công tác đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp để tạo sự yên tâm và gắn bó lâu dài của nhà đầu tư với tỉnh.

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên giá trị sản xuất, kinh doanh khối doanh nghiệp FDI đạt 7 tỷ 658 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ 403 triệu USD, nhập khẩu đạt 4 tỷ 421 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước gần 188 triệu USD; tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI khoảng 67.000 người.

Đôn đốc các công ty hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu triển khai thực hiện dự án theo quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tập trung rà soát các dự án chậm triển khai thực hiện, kiên quyết tham mưu thu hồi các dự án không đủ khả năng thực hiện để kêu gọi nhà đầu tư có năng lực vào triển khai dự án. Đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về đất đai, môi trường xây dựng để khởi công xây dựng công trình tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư nước ngoài. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đầu tư nước ngoài…

Bình Phước cũng sẽ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để tỉnh triển khai nhanh các công trình giao thông trọng điểm kết nối liên vùng như: Cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); tạo điều kiện hỗ trợ Bình Phước trong việc đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thành lập mới các khu công nghiệp và mở rộng giai đoạn 2 như: Khu công nghiệp Tân Khai II, Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú và Minh Hưng III. Nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để việc thực hiện khai báo thông tin dự án đầu tư và lấy mã số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được nhanh hơn.

Minh Khang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/142475/nang-cao-hieu-qua-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai