Nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn

Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc thành lập hợp tác xã, tổ, đội thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại địa bàn các xã, thị trấn đã được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, hiện nay việc thu gom, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn vẫn còn có những vấn đề đáng lo ngại. Thực trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền, địa phương nghiên cứu, thực hiện các giải pháp, cơ chế phù hợp, nâng cao hiệu quả thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt.

Đoàn giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Thanh Ba kiểm tra lò đốt rác thải sinh hoạt tại khu hai, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba.

Kỳ 1: Mối lo rác thải khu vực nông thôn

Hợp tác xã, tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt đóng vai trò quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà hơn hết còn là điều kiện đủ để các xã hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, công tác thu gom, vận chuyển rác thải đã được tỉnh, sở, ngành, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt đã được thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả ở các địa phương, hạn chế tình trạng xả thải bừa bãi, phát sinh “điểm đen” rác thải. Tuy nhiên, việc thu gom rác ở khu vực nông thôn hiện đang đối mặt nhiều khó khăn do hoạt động của tổ, đội thu gom rác thải chưa thực sự ổn định, hiệu quả.

Bất cập trong thu gom

Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt từ 70% trở lên, đồng thời UBND xã có tổ chức hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn không nguy hại đến nhà máy xử lý hoặc bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Trên cơ sở đó, để hoàn thành chỉ tiêu, tiêu chí môi trường, UBND cấp xã thành lập hợp tác xã hoặc tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt tập trung. Tình hình thu gom, xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, các địa phương cấp huyện đã xây dựng đề án thu gom chất thải và xử lý rác thải sinh hoạt; có các đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 135 xã nông thôn mới, trong đó có 14 xã nông thôn mới nâng cao. Cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đã thành lập, duy trì hoạt động tổ, đội thu gom, tập kết rác thải tập trung thuộc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc trực tiếp do UBND xã quản lý, điều hành cơ bản đảm bảo đúng yêu cầu quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt ở các địa phương chỉ duy trì hoạt động để đảm bảo tiêu chí, hoặc “đánh trống ghi tên”, có thành lập nhưng không hoạt động; một số tổ, đội đang có nguy cơ tan rã, giải tán. Thành viên trong các tổ, đội thu gom muốn nghỉ nhưng chưa tìm được người thay thế, ít người muốn đảm nhận công việc này.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần do tiền trả nhân công tổ, đội thu gom chưa tương xứng với phần việc thực tế. Tổ, đội thu gom rác được thành lập mới hoặc do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đảm đương. Chi phí trả cho nhân công thu gom được trích một phần từ nguồn giá dịch vụ thu của người dân có sử dụng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải.

Giai đoạn trước, giá thu gom rác thải ở các xã khu vực nông thôn (trừ các xã trên địa bàn thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ) là 5.000 đồng/khẩu/tháng. Với mức thu này, thu nhập bình quân của người thu gom, vận chuyển rác thải thấp, chưa tương xứng với công việc đang làm.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao chia sẻ: “Xã hiện có 14 khu dân cư nhưng chỉ có một tổ thu gom gồm bảy thành viên đảm nhận. Trước đây, tổ thu gom thuộc quản lý của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nhưng quá trình hoạt động không hiệu quả cả công tác thu gom và thu phí dịch vụ nên năm 2020, tổ, đội thu gom rác trực tiếp dưới sự quản lý của UBND xã. Hiện nay, thu nhập của thành viên trong tổ thu gom rác thải của xã khoảng 3,5 triệu - 4 triệu/người/tháng, trong khi đó, bình quân mỗi thành viên phải đảm nhận việc thu gom rác sinh hoạt của hai khu dân cư (khoảng 1.571 khẩu).

Khối lượng công việc nhiều, thù lao chưa tương xứng nên nhiều thành viên xin nghỉ. Trước tình hình đó, xã thực hiện một số giải pháp tình thế, tăng cường vận động thành viên tiếp tục khắc phục khó khăn, đảm bảo khối lượng công việc, vì mục tiêu chung. Nhờ đó, dù khó khăn nhưng vấn đề thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã cơ bản đáp ứng yêu cầu”.

Do mức phí đóng góp của người dân còn thấp, thu nhập chưa bảo đảm nên thành viên thu gom chỉ có thể tranh thủ thời gian thực hiện công việc chứ chưa thực hiện được theo chu kỳ, tần suất cố định. Vì lẽ đó, nhiều thành viên trong tổ, đội thu gom xem công việc này là phần “làm thêm” nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, công việc thu gom rác thải sinh hoạt mang tính đặc thù, nhóm công việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người làm nên ít cá nhân muốn tham gia. Trong khi đó, công việc này không chỉ vất vả mà còn khá áp lực với người làm, nếu không thực hiện kịp thời việc thu gom gây ứ đọng rác thải, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan nông thôn, gây bức xúc cho người dân. Nhân lực mỏng, thu nhập thấp, thiết bị thô sơ gây nhiều khó khăn cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở các địa phương.

Ngoài ra, thành viên tổ, đội thu gom chủ yếu là hợp đồng công việc, ngoài phần thu nhập được khoán trả hàng tháng, không có thưởng, phụ cấp hay hỗ trợ thêm. Là thành viên của tổ thu gom rác thải sinh hoạt xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba đã nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn An chỉ thấy khối lượng công việc tăng lên chứ chưa thấy thu nhập được cải thiện. Để thuận tiện hơn trong công việc, tổ thu gom đã tự đầu tư, trang bị xe ba gác để vận chuyển rác.

Rác thải sinh hoạt của một bộ phận dân cư xã Tân Phú, huyện Tân Sơn được thu gom, xử lý tập trung.

Điều chỉnh phí phù hợp

Để giải quyết khó khăn trong công tác thu gom, tập kết, vận chuyển rác thải sinh hoạt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 14/2022/NQ- HĐND ngày 9/12/2022, quy định tăng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối bình quân với các hộ lên 40%. Thực tế cho thấy, việc ban hành, thực hiện Nghị quyết tăng giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đảm bảo nguyên tắc Nhà nước cùng chia sẻ trách nhiệm với người dân trong việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường; mức thu bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn, khả năng đóng góp thực tế của người dân đã tác động, giải quyết phần nào những khó khăn công tác thu gom rác thải cho các địa phương.

Tuy nhiên, dù phí dịch vụ đã được điều chỉnh phù hợp hơn nhưng thực tế công tác thu gom, vận chuyển rác thải ở các địa phương vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài chi trả một phần cho nhân công thu gom, phí dịch vụ thu trong dân còn đảm bảo trả cho công vận chuyển, xử lý rác thải tập trung. Bên cạnh đó, phí thu không ổn định theo từng tháng do biến động dân cư thực tế, nhiều hộ chưa tự nguyện nộp phí, gây khó cho việc đảm bảo cân đối giữa công tác thu, chi. Qua tìm hiểu, nhiều địa phương phải chịu bù lỗ hoặc “nợ” đơn vị phụ trách vận chuyển rác thải đi xử lý tập trung.

Chí Đám là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Đoan Hùng, việc thu gom, vận chuyển rác thải chủ yếu ở sáu khu dân cư tập trung dọc tuyến quốc lộ 2, sau đó được tập kết bãi rác tập trung của xã để xử lý đảm bảo theo quy định. Các khu dân cư còn lại, chính quyền vận động người dân tự xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Công tác thu gom rác thải do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phụ trách. Từ đầu năm 2023 đến nay, bãi rác tập trung xã không còn chỗ chứa nên địa phương đã thuê một đơn vị vận chuyển rác thải đi xử lý tập trung.

Đồng chí Nguyễn Văn Hân - Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: “Sáu khu dân cư với 700 hộ, trong đó 90% hộ sản xuất, kinh doanh đang sử dụng dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt nhưng hiện tổ thu gom rác thải mới thu phí được 200 hộ. Hạch toán từ đầu năm đến nay, số tiền thu phí dịch vụ khoảng 20 triệu đồng, trong đó chi phí vận chuyển, xử lý rác thải khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, số tiền thu phí dịch vụ mới đủ chi trả cho vận chuyển, xử lý rác thải tập trung nếu không phát sinh thêm khối lượng rác thải. Để duy trì, hoạt động thu gom rác thải, xã đã cân đối từ nguồn ngân sách, các nguồn khác khoảng 40 triệu đồng để chi trả tiền công, phí vận chuyển, xử lý”.

Tại huyện Thanh Ba, công tác thu gom rác thải sinh hoạt hiện đang được triển khai ở 13/19 xã, thị trấn, trong đó bốn xã thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn toàn xã, còn lại các địa phương triển khai thu gom, vận chuyển, rác thải ở các trục đường chính và những khu đông dân cư.

Hiện nay chi phí tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải tập trung trên địa bàn huyện là 263,6 triệu đồng/tháng, trong đó thực tế kinh phí để đảm bảo thu gom, vận chuyển, vận hành, xử lý là 424 triệu đồng/tháng. Như vậy, thu phí dịch vụ thu gom không đủ chi trả các hoạt động, gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn huyện.

Theo đồng chí Nguyễn Chí Thành- Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba, do điều kiện hạ tầng không đồng đều dẫn đến việc thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường của huyện còn khó khăn, đa phần chỉ thu gom được rác thải tại các hộ nằm trên các trục đường chính, khu dân cư tập trung. Mặt khác, tại Nghị quyết 14/2022/NQ- HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh thông qua giá dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa cụ thể về đơn giá chung (bao gồm cước thu gom, vận chuyển và xử lý) mà theo thực tế đơn giá trên chỉ có thu gom, vận chuyển (chưa có đơn giá xử lý). Vì vậy, đơn giá chỉ áp dụng cho việc thu gom, vận chuyển còn tiền xử lý rác thải không có nguồn ngân sách cấp nên người dân phải chi trả, dẫn đến tình trạng mức thu ở các xã khác nhau (mức thu theo thỏa thuận với người dân) nếu các xã thu ở mức tối thiểu thì sẽ thiếu kinh phí.

Bên cạnh đó, hiện “đầu mối” hạch toán thu, chi cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải chưa phân công nhiệm vụ đồng nhất cho đơn vị, cơ quan. Đối với cấp xã, việc thu phí dịch vụ có thể do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc khu dân cư, thành viên tổ thu gom thực hiện thu hoặc trực tiếp do UBND xã. Đối với cấp huyện, công tác này cũng không giống nhau, có huyện do Ban Quản lý các công trình công cộng phụ trách, có địa phương giao cho Ban Quản lý và Phát triển quỹ đất đảm đương... Điều này gây khó khăn trong công tác chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Do vậy, việc điều chỉnh tăng giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ góp phần bảo đảm bù đắp chi phí, giảm phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 từ 75% xuống 65%. Thời gian tới, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn hoạt động chất lượng, hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng lòng của người dân, quyết tâm xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sống.

Kỳ II: Tiền đề bảo đảm môi trường xanh

Nhóm phóng viên Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/nang-cao-hieu-qua-thu-gom-xu-ly-chat-thai-ran/202394.htm