Nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học

Chỉ còn ít ngày nữa học sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2012-2013. Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trường, lớp học ở một số địa phương thì việc bảo đảm sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học (TBDH) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình dạy và học vẫn còn là băn khoăn của ngành giáo dục và nhiều phụ huynh, học sinh.

Cùng với cơ sở vật chất trường, lớp học thì TBDH đầy đủ là một trong những điều kiện quyết định thành công của việc đổi mới phương pháp dạy học. Nhất là việc sử dụng TBDH sẽ tránh được tình trạng truyền thụ kiến thức một chiều; tạo động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh, bồi dưỡng năng lực tự học, phát triển năng lực thực hành. Có được các TBDH thích hợp, người giáo viên sẽ phát huy hết năng lực sáng tạo của mình trong công tác giảng dạy, làm cho hoạt động nhận thức của học sinh trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn, tạo ra cho học sinh những tình cảm tốt đẹp với môn học. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) công tác mua sắm trang bị TBDH những năm qua được toàn ngành chú trọng. Chỉ tính riêng trong năm học 2011-2012, nhiều địa phương trên cả nước đã đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, sách giáo khoa, sách giáo viên, tủ sách dùng chung... với tổng kinh phí hơn 844 tỷ đồng. Ngoài TBDH tối thiểu theo danh mục quy định, nhiều địa phương đã đầu tư mua sắm các TBDH hiện đại phục vụ tốt công tác đổi mới phương pháp dạy học của giáo dục mầm non và các cấp học phổ thông...

Tuy nhiên, thực tế quá trình dạy và học cho thấy, TBDH trong các cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra, quá trình sử dụng còn nhiều bất cập. Tình trạng vừa thiếu, vừa thừa thiết bị dạy học còn xảy ra phổ biến. Ở nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu TBDH như thư viện, phòng thí nghiệm, giáo cụ trực quan... cho nên giáo viên đều phải "dạy chay". Trong khi đó, nhiều trường học được đầu tư TBDH nhưng lại không sử dụng hiệu quả. Nhiều thiết bị dạy học được trang bị theo các chương trình dự án hoặc được mua sắm mới nhưng không tương thích với các điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, cho nên cũng bị "lãng quên". Ngoài ra, cơ sở giáo dục được trang bị TBDH hiện đại nhưng khi hỏng hóc không có kinh phí sửa chữa, cho nên phải "đắp chiếu". Đáng chú ý, mặc dù ở nhiều địa phương đã tuyển biên chế đội ngũ giáo viên làm thiết bị thí nghiệm nhưng không được đào tạo một cách bài bản và kỹ lưỡng, cho nên cả giáo viên và nhân viên thiết bị đều rất lúng túng khi kết hợp giảng với việc hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm...

Để TBDH thật sự phát huy hiệu quả trong đổi mới phương pháp, khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, việc đầu tư mua sắm cần phải phù hợp thực tế điều kiện dạy và học. Nếu những TBDH hiện đại mà được đầu tư cho trường vùng sâu, vùng xa thì sẽ khó có thể triển khai và ngược lại những thiết bị quá giản đơn lại không phù hợp cho học sinh thành phố... Cần xây dựng giáo trình về sử dụng TBDH và đưa vào giảng dạy ở tất cả các khoa của trường sư phạm, nhằm nâng cao tính tích cực, chủ động và hiệu quả sử dụng TBDH của giáo viên. Mặt khác, ngành GD và ĐT cần đẩy mạnh phát triển TBDH tự làm nhằm đưa phong trào tự làm thiết bị trở thành hoạt động sư phạm thường xuyên trong nhà trường, góp phần tự làm mới hoặc cải tiến, sửa chữa các TBDH đã có, phù hợp các điều kiện dạy và học thực tế của trường, địa phương. Cần có quy chế trong việc sử dụng và thường xuyên có sự giám sát việc đầu tư mua sắm và sử dụng TBDH của các trường, giáo viên trong các giờ lên lớp, nhằm phát huy cao nhất vai trò TBDH trong đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/cung-suy-ngam/nang-cao-hi-u-qu-s-d-ng-thi-t-b-d-y-h-c-1.364592