Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ

ĐBP - Thời gian qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT); trong đó, ưu tiên việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương và thúc đẩy hoạt động sáng kiến trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường huyện Điện Biên thường xuyên kiểm tra hàng hóa, phát hiện vi phạm nhãn hiệu, SHTT trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT, trước hết công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân đã được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, duy trì thường xuyên, liên tục và có chiều sâu với nhiều hình thức như: Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tuyên truyền trên bản tin thông tin khoa học và công nghệ... góp phần tạo chuyển biến nhận thức về SHTT của các cấp, các ngành và toàn xã hội; đồng thời, bảo vệ quyền SHTT cho những phát minh, sáng tạo nhằm khuyến khích nghiên cứu sáng tạo. Song song với tuyên truyền, chú trọng công tác tư vấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.

Qua công tác tuyên truyền, tập huấn, các tổ chức, cá nhân được bổ sung kiến thức về hệ thống pháp luật bảo hộ quyền SHTT; các hình thức bảo hộ quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; trình tự thủ tục, hồ sơ để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận... Hướng dẫn điều kiện, thủ tục, quy trình đánh giá, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”; hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm OCOP.

Theo ông Quàng Văn Hòa, Phó phòng Quản lý công nghệ - An toàn bức xạ, hạt nhân (Sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học và Công nghệ), từ năm 2020 đến nay đã có 4 tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong năm 2020, có 11 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được nộp đến Cục SHTT và đã được cấp văn bằng bảo hộ cho 3 nhãn hiệu. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TX. Mường Lay, UBND huyện Tủa Chùa triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện quy định về ghi nhãn hàng hóa, mã số vạch, truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm hàng hóa, đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm OCOP.

Trong công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ địa phương, thực hiện quyết định của tỉnh về ban hành quy chế quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR 64 của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển giá trị thương mại chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”. Bên cạnh đó, tỉnh đã được phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đặt hàng thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “cà phê Mường Ảng” và chè Shan tuyết Tủa Chùa”.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, công tác quản lý Nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh cũng còn khó khăn, như: Số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp còn ít; việc khai thác các giá trị, sản phẩm đặc sản của địa phương, nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế; nhiều đặc sản của địa phương chưa được các doanh nghiệp, chính quyền địa phương đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Như với sản phẩm gạo đã được đăng bạ chỉ dẫn địa lý do vùng sản xuất thu hẹp, điều kiện sản xuất thay đổi, năng suất, chất lượng không ổn định nên chất lượng gạo không đáp ứng các chỉ tiêu đã được đăng bạ chỉ dẫn địa lý. Do đó, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi xin cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT, cần sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nhằm nâng cao tính phòng ngừa, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, nhãn hàng hóa và xâm phạm quyền SHTT. Hình thành hệ thống hỗ trợ phát triển SHTT đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT. Việc quản lý chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” cần được tuyên truyền sâu rộng hơn để các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” nâng cao hơn nữa về uy tín và danh tiếng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ địa phương xác lập quyền bảo hộ đối với các tài sản trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý...

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/192722/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-so-huu-tri-tue