Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm cà phê Việt Nam

Phát triển 'Cà phê đặc sản' Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu 'Cà phê đặc sản' ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa; đồng thời nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.

Đây là chia sẻ của ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại Hội thảo “xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức diễn ra tại tại tỉnh Đắk Lắk hôm 12/3 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Phát triển cà phê theo hướngtăng trưởng xanh và bền vững

Dẫn số liệu từ thống kê sơ bộ từ báo cáo các tỉnh và số liệu của Tổng Cục Thống kê, ông Lê Văn Đức cho biết, diện tích cà phê năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 710 nghìn ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha cho sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, năm tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích, 93,2% về sản lượng cà phê cả nước.

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên trồng cà phê, Đắk Lắk và Lâm Đồng là 2 tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất và cho sản lượng lớn nhất và Lâm Đồng là tỉnh sản xuất cà phê cho năng suất cao nhất là 33,1 tạ/ha cao hơn 17,1% so với tổng trung bình năng suất của 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như cả nước.

“Để đưa ngành hàng cà phê tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương đã ban hành các quy trình kỹ thuật về canh tác, tái canh, chế biến đồng thời hướng dẫn các địa phương áp dụng theo các tiêu chuẩn chứng nhận. Tùy theo điều kiện thực tiễn, mỗi địa phương sẽ chọn những quy trình phù hợp để áp dụng”- Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Văn Đức chia sẻ.

Thông tin tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cho biết, tùy điều kiện mà mỗi tỉnh có các quy trình áp dụng riêng trong sản xuất, sơ chế và chế biến cà phê chất lượng cao. Tuy nhiên, các quy trình đó phải dựa trên Quy trình kỹ thuật về canh tác, tái canh, chế biến do Bộ NN&PTNT ban hành. Trong đó, đối với Quy trình chăm sóc cà phê, các địa phương hướng dẫn người sản xuất thực hiện theo Quy trình tái canh cà phê vối đã được ban hành tại Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT.

Còn với quy trình sơ chế, chế biến hiện các địa phương khuyến cáo chỉ tiến hành thu hoạch những quả đúng tầm chín; không hái quả xanh; thu hái đúng kỹ thuật (không tuốt, vặn cành, làm gãy cành) và cà phê quả tươi thu hái phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 9278:2012).

 Theo các đại biểu tại Hội thảo, mục tiêu phát triển của ngành hàng cà phê Việt Nam hiện nay đang hướng tới là đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo các đại biểu tại Hội thảo, mục tiêu phát triển của ngành hàng cà phê Việt Nam hiện nay đang hướng tới là đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với cà phê có chứng nhận, số liệu thống kê của các tỉnh trồng cà phê công bố tại Hội thảo cho thấy, đến năm 2022 diện tích cà phê có chứng nhận cả nước đạt 185,8 nghìn ha. Riêng tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận là 45.674 ha, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh. Trong đó, chứng nhận UTZ với tổng số nông hộ tham gia là 11.296 nông hộ, diện tích là 13.713 ha và sản lượng 49.979 tấn; chứng nhận 4C với tổng diện tích là 26.091 ha, sản lượng 94.357 tấn với 18.450 nông hộ tham gia; chứng nhận RFA với diện tích 5.123 ha và 2.771 nông hộ tham gia với tổng sản lượng đăng ký 12.719 tấn; chứng nhận Fairtrade: tổng diện tích 747,2 ha; 447 nông hộ tham gia với tổng sản lượng đăng ký 3.255,9 tấn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tái canh cà phê, sử dụng giống cà phê chất lượng cao như: TR4, TRS1, THA1, đặc biệt các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt ... Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và chế biến cà phê (đặc biệt các quy trình chế biến tiên tiến, chế biến ướt, chế biến có sử dụng công nghệ vi sinh và enzyme …). Tổ chức vận động thành lập thêm nhiều tổ hợp tác và Hợp tác xã liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao (4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, Faiftrade, hữu cơ…) để tạo ra sản phẩm cà phê sạch chất lượng cao ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện địa phương đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2021 – 2025, bình quân mỗi năm tái canh khoảng 4.000ha/năm. Đảm bảo 100% diện tích tái canh được sử dụng giống tốt, chất lượng và áp dụng đúng quy trình tái canh. Đẩy mạnh phát triển trong đề án sản xuất cà phê đặc sản của tỉnh, nhằm khai thác thêm phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước. Định hướng vùng trồng thuận lợi, thích hợp cho sản xuất cà phê đặc sản.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, trong các năm 2012-2022 tỉnh đã tiến hành tái canh hơn 25.600 ha cây cà phê, đạt đạt 18,3% tổng diện tích cà phê của toàn tỉnh (trong đó: tái canh đạt 21.299,11 ha; ghép cải tạo đạt 4.432,74 ha). Đây cũng là diện tích cà phê hứa hẹn cho chất lượng cao hơn, đặc biệt là đảm bảo các yêu cầu cà phê chất lượng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ngoài tra, hiện Đắk Nông cũng đã công nhận được 01 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil với diện tích trên 335 ha; diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận khoảng 23 ngàn ha, sản lượng ước đạt khoảng 82 ngàn tấn/năm. Đồng thời địa phương cũng đang tập trung phát triển cà phê đặc sản. Trong đó, thống kê ban đầu tại một số vùng trong tỉnh, các hợp tác xã và người dân đã và đang chủ động sản xuất cà phê theo hướng đặc sản khoảng 225 ha, sản lượng đạt 251 tấn. Một số tổ chức, cá nhân đang sản xuất theo hướng cà phê đặc sản đã đưa sản phẩm tham gia cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam (Viet Nam Amazing Cup); trong đó, một số sản phẩm cà phê Robusta của tỉnh được công nhận tiêu chuẩn đặc sản và đã có kết quả cao (Cụ thể năm 2019 có 02 sản phẩm được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm đứng Top 2; năm 2020 có 03 sản phẩm được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm đứng Top 1; năm 2021 có 02 sản phẩm được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm đứng Top 8; năm 2022 có 03 sản phẩm được công nhận).

Phát triển sáng tạo các sản phẩm từ cà phê

Cùng với những nỗ lực để tăng giá trị kinh tế cho cà phê Việt Nam, tại Hội thảo lần này, nhiều chuyên gia, các nhà quản lý đã đề xuất cần phát triển đa dạng, sáng tạo các sản phẩm từ cà phê. Trong đó, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ cà phê”.

 Quang cảnh tại Hội thảo xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Quang cảnh tại Hội thảo xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của cả nước, với diện tích khoảng 213 ngàn ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 558 ngàn tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Lắk, với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

“Xác định cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế tỉnh Đắk Lắk, quan điểm của tỉnh không tăng diện tích cà phê, tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó phát triển cà phê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới được xem là định hướng quan trong việc nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh trong những giai đoạn tới”- ông Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ và nhấn mạnh thêm: Với những thách thức mà chuyên gia đã chỉ ra, tỉnh Đắk Lắk nhìn nhận như là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê thay đổi cách nhìn về một nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững. Với quan điểm “Less in more” (ít hơn nhưng được nhiều hơn) hoặc “More from less” (được nhiều hơn từ cái ít hơn), cùng với xu hướng tiêu dùng cà phê chất lượng cao, minh bạch, bảo vệ môi trường sinh thái sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho ngành hàng cà phê Đắk Lắk cũng như cả nước.

Đối với tỉnh Đắk Nông, theo ông Phạm Tuấn Anh- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho hay: “Để phát triển ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Nông theo hướng bền vững, đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, Đắk Nông đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp căn cơ như: Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao; phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với hộ nông dân sản xuất hàng nông sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đồng thời với các giải pháp trên, ông Phạm Tuấn Anh cũng khẳng định: Hiện nay tỉnh Đắk Nông đang tập trung triển khai hướng dẫn người dân ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất cà phê; thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu và thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý ngành hàng cà phê. Tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu để tạo dựng thương hiệu cà phê của tỉnh. “Qua các nỗ lực này, Đắk Nông mong muốn thương hiệu ngành cà phê của địa phương sẽ tiếp tục lan tỏa, nâng tầm”- ông Phạm Tuấn Anh cho biết./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/nang-cao-gia-tri-gia-tang-san-pham-ca-phe-viet-nam-633392.html