Nâng cao công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An nghiên cứu về dược tính của cây hồi đầu thảo

Những năm gần đây, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sau khi được cấp có thẩm quyền công nhận đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, lao động, học tập và mang lại những hiệu quả thiết thực. Có được kết quả đó là do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu và triển khai nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2016 về trước, nội dung báo cáo mỗi sáng kiến chỉ gói gọn trong 5 đến 10 trang giấy, chủ yếu mô tả về sự cần thiết cũng như nội dung giải pháp chứ chưa chú trọng đến tính ứng dụng và hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn. Tuy mỗi năm nhiều sáng kiến được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh nhưng tỷ lệ áp dụng vào thực tiễn đời sống, lao động sản xuất còn thấp. Người xây dựng sáng kiến chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức còn nhân dân, học sinh, sinh viên ít tham gia. Từ năm 2016 đến nay, việc xây dựng sáng kiến đã có thay đổi tích cực, các sáng kiến có tính ứng dụng cao vào thực tiễn góp phần giải quyết vấn đề khó khăn, phức tạp trong công tác, đời sống, lao động, học tập.

Ông Trần Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp hoặc là giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã được thử nghiệm và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực. Hoạt động sáng kiến có vai trò thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo ra những sáng kiến mới. Triển khai hoạt động sáng kiến, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định, hướng dẫn cụ thể về công tác sáng kiến; tổ chức hướng dẫn các tầng lớp nhân dân đề xuất, viết sáng kiến và thành lập các hội đồng chấm điểm sáng kiến trước khi đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

Theo đó, năm 2018, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định về hoạt động sáng kiến; hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về hoạt động sáng kiến; tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung và mức chi thực hiện hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cơ sở quan trọng để triển khai hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Để được công nhận sáng kiến cấp tỉnh thì sáng kiến phải đáp ứng được những nội dung quan trọng về tính mới, tính sáng tạo; có khả năng áp dụng và nhân rộng trên địa bàn tỉnh; mang lại lợi ích thiết thực. Theo đó, sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh từ tác giả, Sở KH&CN thành lập các hội đồng sáng kiến với các chuyên gia theo từng lĩnh vực như: y tế, giáo dục, kỹ thuật, quản lý nhà nước… để tiến hành đánh giá, chấm điểm đối với từng hồ sơ. Thành viên hội đồng sáng kiến sẽ tiến hành rà soát, đánh giá về tính mới, tính sáng tạo của từng sáng kiến. Đặc biệt, với tiêu chí về khả năng áp dụng, nhân rộng và tính hiệu quả được thành viên hội đồng sáng kiến đánh giá rất chi tiết cụ thể. Vì vậy, yêu cầu tác giả đề xuất sáng kiến phải có quá trình nghiên cứu, thí điểm, nhân rộng cũng như có các số liệu cụ thể để đánh giá, phân tích hiệu quả của giải pháp mà sáng kiến đưa ra… Nhờ đó, 100% sáng kiến được công nhận cấp tỉnh đều được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực.

Sở KH&CN cũng đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động sáng kiến thông qua các hội nghị, hội thảo, trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các đơn vị. Sở cũng phối hợp với Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về công tác sáng kiến. Cùng đó, phối hợp tổ chức các hội nghị chuyên đề hướng dẫn cách viết sáng kiến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh, bên cạnh đó, học viên cũng được trang bị kiến thức, pháp luật, chính sách của tỉnh đối với công tác sáng kiến. Từ hiểu rõ cách trình bày, hoạt động công nhận và sự thiết thực của công tác sáng kiến mà mỗi năm đều có trên 100 sáng kiến được gửi đến Sở KH&CN để đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

Nhằm khuyến khích phong trào thi đua lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Qua đó, đã khuyến khích các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, đề xuất các giải pháp có tính mới, tính sáng tạo áp dụng đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả lao động, có khả năng triển khai áp dụng vào thực tiễn. Đặc biệt, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng còn góp phần khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh giúp các em trau dồi kiến thức, thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, vun đắp cho các em ước mơ trở thành các nhà sáng chế trong tương lai, giúp ích cho xã hội, cho cuộc sống. Để lan tỏa hoạt động sáng kiến, hằng năm, Sở KH&CN đều chủ trì tổ chức tổng kết các cuộc thi, hội thi và tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình và biểu dương những sáng kiến có thể áp dụng rộng rãi và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Những sáng kiến có tính ứng dụng cao cũng được tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện để tham gia các cuộc thi toàn quốc và ứng dụng vào thực tiễn.

Từ năm 2018 đến nay, Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tỉnh tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về công tác sáng kiến, hướng dẫn gần 4.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân cách viết báo cáo sáng kiến và triển khai hoạt động sáng kiến tại cấp cơ sở. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 8.242 sáng kiến được các cơ sở công nhận, 81 sáng kiến được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh; Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng đã thu hút gần 600 giải pháp, đề tài sáng tạo tham dự, trong đó hơn 60 giải pháp, đề tài đoạt giải cấp tỉnh và một số đạt giải toàn quốc. Trong đó, nhiều sáng kiến, giải pháp đã được ứng dụng vào thực tiễn đời sống, lao động, sản xuất và mang lại những hiệu quả tích cực. Tiêu biểu như: Sáng kiến triển khai giáo dục STEM ở một số trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới của tác giả Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Sau khi được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh năm 2022, sáng kiến đã được triển khai tại nhiều trường học; sáng kiến sản phẩm sáng tạo thùng phối ong chúa của em Hoàng Thành Phố, học sinh lớp 7, Trường THCS Lương Năng, huyện Văn Quan giúp gia đình em phát triển từ 5 tổ ong ban đầu lên 30 tổ, mỗi năm thu về hơn 60 triệu đồng từ việc bán mật ong và tổ ong…

Em Nông Thị Mai Anh, Trường THPT Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tác giả mô hình không gian tứ giác đáy đạt giải nhì tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2023 chia sẻ, mô hình không gian tứ giác đáy của em được thiết kế đơn giản, dễ dàng di chuyển, điều chỉnh và có thể dễ dàng mô phỏng các loại hình học 2 chiều, 3 chiều góp phần giúp giáo viên không phải chuẩn bị nhiều thiết bị khi dạy học. Nhờ mô hình này mà học sinh dễ dàng tưởng tượng, giải các bài toán về hình học không gian. Sau khi nghiên cứu thành công, mô hình đã được ứng dụng vào phục vụ công tác dạy và học tại trường.

Với những kết quả đã đạt được tin rằng thời gian tới, công tác sáng kiến sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng và thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ đó ứng dụng vào thực tế công tác, đời sống xã hội nhằm giải quyết những vẫn đề khó khăn trong đời sống và công việc.

HOÀNG VƯƠNG - ĐĂNG THÙY

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/633905-nang-cao-cong-tac-sang-kien-cai-tien-ky-thuat.html