Nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho trẻ vùng cao

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ mầm non, học sinh bán trú vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã Thào Chư Phìn (Si Ma Cai) đã thay đổi nhiều sau khi thực hiện những chính sách này.

Thào Chư Phìn là một trong các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Si Ma Cai nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung, tổng số hộ nghèo của xã chiếm hơn 51% dân số, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng cho nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng, tỷ lệ suy dinh dưỡng của xã được xét ở mức độ cao so với các địa phương khác, chiếm 24% dân số (2011).

Sau khi được Nhà nước đầu tư theo chương trình 135 và 30a của Thủ tướng Chính phủ và được thụ hưởng một số chính sách về hỗ trợ sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg và chính sách về hỗ trợ cho trẻ em tại các trường mầm non bán trú tại Quyết định số 60/2011/QĐ- TTg của Thủ tướng chính phủ, trẻ em nơi đây đã có cơ hội phát triển toàn diện. Đối tượng được hưởng chính sách bao gồm tất cả những học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, các trường mầm non ở vùng cao, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập khác ở vùng này do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đến nhà trường và trở về nhà trong ngày. Việc thực hiện những quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chính gia đình và bản thân các em nhỏ, giúp các em yên tâm học tập.

Với việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, xã Thào Chư Phìn cũng như các địa phương trong khu vực đã thực hiện tốt mọi chế độ liên quan, các em được đảm bảo đúng, đủ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng công tác dinh dưỡng của tỉnh. Theo đánh giá của ngành Y tế, đến năm 2013, tình trạng dinh dưỡng của tỉnh Lào Cai đã được cải thiện rõ rệt: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 24% (năm 2011) xuống còn 23,2%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể chiều cao/tuổi giảm từ 38,9% (năm 2011) xuống còn 37,8%; có 25,12% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng nhận được các can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp, hoặc được phục hồi dinh dưỡng bằng việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8- 10 tuổi duy trì ở mức dưới 5%. Với riêng xã Thào Chư Phìn, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ đã giảm từ 24% (2011) xuống còn 23% (2013).

Dinh dưỡng được bổ sung đầy đủ, nhờ đó sức khỏe của các em học sinh ngày một nâng cao, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú được thực hiện có hiệu quả, điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ đến lớp đều đặn hơn. Những năm trước, tỷ lệ mù chữ, học sinh bỏ học của Thào Chư Phìn còn chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng đến nay con số này đang được đẩy lùi. Hiện nay, Thào Chư Phìn đã thực hiện phổ cập 100% giáo dục bậc trung học cơ sở, 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục theo học tại các trường trung học phổ thông, bổ túc và học nghề; 100% đội ngũ giáo viên của các hệ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn; tỷ lệ lao động qua đào tạo, được cấp chứng chỉ học nghề từ 3 tháng trở lên đạt 20%, đưa xã đạt yêu cầu trong nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nhằm duy trì có hiệu quả công tác hỗ trợ dinh dưỡng của xã, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Lào Cai đã phối hợp với địa phương triển khai nhiều hoạt động can thiệp suy dinh dưỡng, phục hồi suy dinh dưỡng, trong đó chủ yếu tập trung vào trẻ suy dinh dưỡng cấp. Hàng năm, bổ sung Vitamin A cho trẻ dưới 6 tuổi; tổ chức cân, đo khám sức khỏe định kỳ 2 đợt cho trẻ em dưới 5 tuổi, từ đó phân từng mức độ suy dinh dưỡng, lập hồ sơ theo dõi, thăm khám định kỳ, có những sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho những trẻ đó như phát muối Iot, Vitamin B, cốm canxi; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi trong các trường học,…. Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các bà mẹ sử dụng các sản phẩm sẵn có tại địa phương để chế biến bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ; thường xuyên kết hợp tuyên truyền với dân bản về dinh dưỡng tại những buổi họp thôn, tư vấn dinh dưỡng cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại Trạm Y tế xã.

Hiệu quả từ chính sách đã rõ, nhưng để duy trì và thực hiện hiệu quả những chính sách này, rất cần duy trì sự chung tay vào cuộc và sự phối hợp liên ngành trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng, cụ thể là sự phối hợp của Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Y tế, Sở Lao động – thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp & PTNT cùng các cấp chính quyền tại các địa phương thực hiện.

Hồng Tấm

Trung tâm truyền thông – GDSK Lào Cai

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20131112103040804p0c61/nang-cao-chat-luong-dinh-duong-cho-tre-vung-cao.htm