Nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu của người dân

Thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ trên 2%/năm 1993 xuống còn 1,14% năm 2019. Tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế (2019), mức sinh vẫn duy trì ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến.

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) năm 2019 là 14 trẻ tử vong trên 1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với cách đây 20 năm. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) của Việt Nam năm 2019 là 21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với năm 1999 (56,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm 2019 tỷ số tử vong mẹ (MMR) là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2018 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 65,5%.Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,7 tuổi năm 2020, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Các kết quả công tác DS-KHHĐ đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) vẫn có xu hướng gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Do đó, giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, thời gian qua, hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 vẫn còn chiếm 29,6%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thanh niên còn cao. Phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê thì cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

Do đó, theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cần triển khai được nêu trong Nghị quyết 137/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21/NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Để cụ thể hóa các nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1848/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, chú trọng vào nhóm đối tượng thụ hưởng là nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là vị thành niên, thanh niên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Chương trình được triển khai tại các địa phương sẽ giúp bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 đề ra một số mục tiêu cụ thể như:

Phấn đấu 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025, đạt 52% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, 75% cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, bao gồm cả khu vực ngoài công lập vào năm 2025, đạt 90% vào năm 2030

Trên 95% cấp huyện có cơ sở y tế cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới vào năm 2025, đạt 100% vào năm 2030...

Anh Khôi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nang-cao-chat-luong-dich-vu-ke-hoach-hoa-gia-dinh-dap-ung-nhu-cau-cua-nguoi-dan-172220806175754021.htm