Nâng cao chất lượng dạy và học từ mô hình học sinh bán trú

Những năm qua, mô hình Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Việc thực hiện mô hình trường PTDTBT, đã tiếp thêm động lực cho học sinh có điều kiện tốt hơn để học tập, góp phần không nhỏ thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục của tỉnh.

Năm học 2023-2024, Trường PTDTBT THCS Trung Sơn, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập có 9 lớp với 341 học sinh. Nhà trường có 196 học sinh bán trú trong đó ở trong nhà trường là 125 học sinh, ở trọ nhà dân 71 học sinh. Em Đinh Thị Thu Hiền, học sinh lớp 9A, ở xóm Dùng chia sẻ: “Nhà em ở cách trung tâm xã khá xa nhưng khi đến trường được các thầy cô chăm sóc, chế độ ăn uống đảm bảo và được tham gia nhiều hoạt động cùng các bạn nên em rất thích đi học”.

Khu bán trú Trường PTDTBT THCS Trung Sơn được đầu tư nhằm đảm bảo việc ăn ở của học sinh.

Để quản lý tốt học sinh bán trú, trong năm học nhà trường đã tập trung thực hiện nhiều chủ đề giáo dục pháp luật, trợ giúp tâm lý, rèn kĩ năng sống cho học sinh bán trú. Việc tổ chức nấu ăn, học tập của học sinh bán trú theo thời gian biểu cụ thể dưới sự hướng dẫn giúp đỡ của giáo viên trực. Dẫn chúng tôi đi thăm khu ở bán trú, thầy giáo Lê Minh Tuyến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi áp dụng mô hình bán trú, số học sinh ra lớp ngày càng đông. Khu bán trú của nhà trường hiện có phòng ở, bếp ăn, công trình vệ sinh, khu vui chơi, thể thao, vườn trồng rau, khu chăn nuôi... Ngoài giờ học, các em tham gia trồng rau đã phần nào cung cấp được thực phẩm, cải thiện bữa ăn hằng ngày. Mỗi học sinh bán trú được hỗ trợ hằng tháng bằng 40% mức lương cơ bản của công chức và 15kg gạo, được hưởng không quá 9 tháng/năm học với mỗi học sinh theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Trường PTDTBT THCS Trung Sơn đã đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng như: Bát, thìa bằng inox, tủ nấu cơm, tủ lưu mẫu thức ăn hằng ngày, máy lọc nước, tủ sấy bát...

Ngoài giờ học, các em tham gia trồng rau đã phần nào cung cấp được thực phẩm, cải thiện bữa ăn hằng ngày

Bên cạnh thực hiện tốt mô hình bán trú, nhà trường còn chú trọng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh: Thực hiện tốt những nội dung được điều chỉnh; các chủ đề dạy học liên môn đã xây dựng và thực hiện. Đồng thời, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, thông qua tập trung đổi mới phương pháp dạy học, trong đó tập trung đi sâu vào các hoạt động chuyên môn, bố trí đội ngũ hợp lý. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sách tham khảo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, chất lượng học tập của học sinh bán trú dần được nâng lên được thể hiện như có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh... Từ sự nỗ lực của thầy và trò, năm học vừa qua, trường đã có 7 giải học sinh giỏi văn hóa cấp huyện, một giải Khuyến khích Violympic, một giải Nhì thi Khoa học kĩ thuật cấp huyện, giải Khuyến khích KHKT cấp tỉnh...

Thu Cúc là xã khó khăn của huyện Tân Sơn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc học tập của con em, đường giao thông đi lại khó khăn nên tỷ lệ chuyên cần của trường rất thấp. Từ khi mô hình trường học có bếp ăn bán trú được triển khai đã mang lại thành công lớn trong việc thu hút học sinh đến trường, nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập.

Trường PTDTBT THCS Thu Cúc, xã Thu Cúc, là một trường có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc, giáo dục học sinh bán trú. Nhờ có mô hình trường học cùng với bếp ăn bán trú, các em học sinh nơi đây yên tâm đến trường học tập. Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, ngoài hệ thống lớp học còn có phòng tin học, sân thể thao, nhà bán trú sạch đẹp. Trường hiện có tổng số 722 học sinh, trong đó có 140 học sinh ở bán trú và đang được hưởng chế độ. Đây là trường có nhiều học sinh ở các thôn vùng khó khăn cách trường chính khoảng 7-10km như: Mỹ Á, Ngả Hai... Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học. Ban giám hiệu nhà trường còn tập trung nâng cao chất lượng học sinh nội trú bằng cách tăng cường quản lí việc tự học vào các buổi chiều và buổi tối. Tổ chức nhiều các hoạt động ngoại khóa, hoạt động vui chơi, giải trí để thu hút các em ở lại trường học tập. Tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương, vận động phụ huynh sửa chữa cơ sở vật chất, làm đường dẫn nước tự chảy, mua sắm các đồ dùng vật dụng cần thiết phục vụ cho đời sống của học sinh nội trú.

Việc đảm bảo vệ sinh ATTP trong các bữa ăn của học sinh luôn được Trường PTDTBT THCS Thu Cúc thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình.

Hiện nay, đa số các trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh đã có bếp ăn bán trú được bố trí phù hợp, đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh. Các trường đã trang bị đồ dùng phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng như: Bát, thìa bằng inox, tủ lưu mẫu thức ăn hằng ngày, máy lọc nước, tủ sấy bát... Các bữa cơm cho học sinh đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Các nhà trường quản lý chặt chẽ, đúng quy định về việc theo dõi nhập, xuất thực phẩm, các bước chế biến thức ăn, công khai tài chính, có hợp đồng đầy đủ với cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% trường PTDTBT có nguồn nước sạch để phục vụ ăn uống và sinh hoạt.

Có thể nói nhờ thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với học sinh bán trú và tổ chức thực hiện tốt công tác bán trú nên những năm học gần đây, chất lượng giáo dục của của tỉnh nói chung và địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa nói riêng không ngừng được nâng lên. Đây là nền tảng để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên quê hương Đất Tổ.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-tu-mo-hinh-hoc-sinh-ban-tru/209138.htm